Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Liên tục mất tiền tài khoản: Chuyện không nhỏ

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Gửi tiết kiệm ngân hàng (NH) được đa số người dân tin tưởng là an toàn. Tuy nhiên, do không nắm rõ quy trình cơ bản trong giao dịch, tài khoản của khách hàng có thể bị "bốc hơi". Vụ việc xảy ra tại Eximbank mới đây tiếp tục là lời cảnh báo về sự an toàn khi giao dịch gửi tiền.

Lỗ hổng giao dịch ngân hàng
Vụ việc Phó Giám đốc chi nhánh Eximbank TP Hồ Chí Minh Lê Nguyên Hưng rút 245 tỷ đồng trong sổ tiết kiệm của khách hàng Chu Thị Bình bỏ trốn thời gian qua không phải cá biệt. Một loạt vụ từng xảy ra trước đó như: 17 sổ tiết kiệm hơn 400 tỷ đồng “bốc hơi” sau 5 năm gửi tại Oceanbank; Nữ cán bộ Eximbank Nghệ An lạm dụng tín nhiệm rút ruột gần 50 tỷ đồng trên sổ tiết kiệm của hàng chục khách hàng;…
Những vụ việc này vẫn đang trong quá trình điều tra làm rõ và quá trình điều tra này thường phức tạp, mất nhiều thời gian. Câu hỏi đặt ra hiện nay là, ai sẽ phải chịu trách nhiệm hoàn lại số tiền đã "bốc hơi" cho người gửi?
Giao dịch tại Eximbank. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Eximbank khẳng định trước mắt NH chưa có cơ sở để giải quyết yêu cầu tất toán sổ của khách hàng. Ngoài ra, NH này khẳng định sẽ tuân thủ theo phán quyết của tòa án có thẩm quyền nhằm đảm bảo quy trình xử lý khiếu nại của khách hàng theo đúng pháp luật.

Tại anh, tại ả?

Chia sẻ quan điểm về quyền lợi khách hàng trong những vụ việc bị mất tiền khi gửi NH, luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, về nguyên tắc, khi xảy ra tranh chấp vụ việc sẽ được chuyển sang cơ quan điều tra nên phải chờ kết luận.
Tuy nhiên, các NH cũng cần xem lại công tác cán bộ, vì rủi ro đạo đức bao giờ cũng là rủi ro cao nhất, gây thiệt hại nặng nề nhất trong các loại rủi ro của NH. Việc mất mát này ảnh hưởng lớn đến tâm lý của khách hàng. Qua thực tế theo dõi các vụ việc liên quan tranh chấp NH, luật sư Trương Thanh Đức cho biết, đang có hiện tượng lãnh đạo DN, người dân do không mấy quan tâm, thậm chí ỉ lại và quá tin tưởng vào cán bộ NH dẫn đến bị lợi dụng.
Như vụ Eximbank, toàn bộ giấy ủy quyền mà ông Lê Nguyên Hưng dùng để rút tiền đều có chữ ký của bà Chu Thị Bình. Ban đầu, các giấy tờ này được ký khống và để trống tên người được ủy quyền, tạo điều kiện cho ông Hưng điền tên người khác vào để thực hiện hành vi rút tiền của bà Bình. “Lỗi đầu tiên thuộc về các chủ sổ tiết kiệm khi cả tin ký khống. Nhưng các NH cũng không thể phủi trách nhiệm”- Luật sư Bùi Quang Tín nhận xét. 
Phải gửi tiền trực tiếp tại quầy giao dịch, và về mặt nguyên tắc, tất cả NH chuyên nghiệp đều không chấp nhận và luôn khuyến cáo khách hàng vay tiền cũng như gửi tiền không được ký khống vào bất kỳ loại giấy tờ nào có liên quan đến giao dịch NH. Tuy nhiên, những nguyên tắc này vẫn có nhiều người không tuân thủ, số lượng khách hàng đồng ý ký trước giấy nộp tiền không hề ít.
Những khách hàng VIP thường đã có quãng thời gian làm việc với NH từ lâu nên thường tin tưởng và yêu cầu nhân viên đến tận nhà, nơi làm việc, thậm chí quán café để làm sổ tiết kiệm. “NH phải kiểm soát việc rút tiền qua nhiều quy trình, nhiều bậc, nhằm đảm bảo người rút tiền là chính chủ. Nếu theo đúng quy trình khắt khe đề ra sẽ không dễ gì tiền bị thất thoát”- Luật sư Bùi Quang Tín bình luận.

Trao đổi với báo chí, lãnh đạo NH Nhà nước thừa nhận, NH Nhà nước đã nhiều lần đưa ra cảnh báo, tuy nhiên, vẫn có một vài sự việc hy hữu xảy ra. NH Nhà nước đã ra văn bản khẩn cấp, yêu cầu nghiêm túc triển khai, thực hiện việc đảm bảo an toàn giao dịch tiền gửi, gửi tiết kiệm tại các tổ chức tín dụng. NH Nhà nước một lần nữa yêu cầu các tổ chức tín dụng tăng cường công tác tự kiểm tra (nhất là kiểm tra chéo), kiểm soát, luân chuyển cán bộ làm công tác giao dịch nhằm ngăn chặn các rủi ro có thể xảy ra.
Việc thực hiện các yêu cầu sai quy tắc như ký khống không chỉ gây thiệt hại đối với khách hàng mà cũng tạo ra những rắc rối đối với chính các NH. Do đó bộ phận kiểm soát nội bộ, kiểm toán cần quan tâm hơn nữa để biết được nhân viên của mình làm việc có đúng quy tắc hay không.

TS Nguyễn Trí Hiếu