Liệu có lãng phí?

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Trong bối cảnh thị trường truyền hình trả tiền đã có dấu hiệu bão hòa, việc Viettel, VNPT, FPT có kế hoạch cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền (cáp) đã gặp phải sự phản ứng dữ dội của nhiều đơn vị truyền thông trong lĩnh vực truyền hình.

Vì thế, mới có chuyện Đài Truyền hình Việt Nam (VTV), Hiệp hội truyền hình trả tiền Việt Nam, Công ty TNHH MTV Truyền hình Cáp Việt Nam (VCTV), Công ty TNHH Truyền hình Cáp Saigontourist (SCTV)… đồng loạt bị "sốc" và "bất ngờ" trước những ý tưởng kinh doanh của các hãng viễn thông. Theo các đơn vị này, thị trường truyền hình trả tiền ở Việt Nam tương đối nhỏ, tốc độ phát triển thuê bao mới  đang có xu hướng chậm lại do truyền hình vệ tinh của VSTV (K+), SCTV, VTC, HTV... đã phủ sóng cả nước, đáp ứng nhu cầu xem truyền hình của các tầng lớp nhân dân trên mọi miền đất nước.  Vì vậy, việc các tập đoàn viễn thông đầu tư mới vào thị trường truyền hình cáp hiện nay sẽ gây lãng phí.
Liệu có lãng phí? - Ảnh 1
Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet

Tuy nhiên, các hãng viễn thông cũng có lý do riêng khi "nhay" vào lĩnh vực truyền hình. Theo đó, nếu chỉ tập trung làm những thứ đã làm mà không mở rộng ra các lĩnh vực khác và như thế, khi công nghệ thế giới thay đổi, doanh nghiệp sẽ không thay đổi kịp. Riêng với Viettel, bài học rút ra để tồn tại trong thời đại công nghệ là tập trung làm tốt lĩnh vực cốt lõi của mình và liên tục nâng cao, mở rộng để phù hợp hơn với sự phát triển của xã hội. Và như thế, viễn thông sẽ không chỉ là alo nữa mà sẽ len lỏi vào mọi ngõ ngách của cuộc sống và truyền hình là một phần của chiến lược ấy.

Trong khi tranh cãi giữa các bên chưa có hồi kết thì khán giả tiếp tục được hưởng lợi nhờ việc các chương trình truyền hình cáp liên tục tăng kênh và thời lượng phát sóng, chất lượng các chương trình cũng được nâng cao… Bên cạnh đó, người tiêu dùng còn đang được hưởng lợi từ việc có nhiều lựa chọn, không truyền hình cáp, đã có truyền hình vệ tinh, truyền hình số mặt đất, thậm chí có thể xem truyền hình mình yêu thích như MyTV của VNPT, NetTV của Viettel, iTV của FPT trên di động… Điều quan trọng, phải có chiến lược quản lý để tạo một môi trường cạnh tranh lành mạnh, tránh tình trạng đầu tư không hiệu quả, gây lãng phí nguồn lực.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần