Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Liệu có nhóm lợi ích?

Quốc Phong
Chia sẻ Zalo

Bài viết "Một chiến dịch truyền thông gây sợ hãi" của nhà báo Hoàng Hải Vân trên Motthegioi.vn hôm 19/10 nêu một sự kiện khiến dư luận không khỏi xôn xao xung quanh thông tin Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) công bố 67% mẫu nước mắm mà Hội này khảo sát không đạt chỉ tiêu tổng về Arsen theo quy định của Bộ Y tế, với những phân tích rất sâu sắc.

Tôi cũng cho rằng, Vinastas đã "thành công" về mặt truyền thông, "góp công" gây náo loạn thị trường nước chấm Việt Nam, quốc gia có nhiều chục triệu dân luôn xem nước mắm là thứ gia vị "quốc hồn quốc túy" mà lẽ ra họ phải rất cẩn trọng khi công bố nó.
 Ảnh minh họa
Thực tế đã cho thấy chỉ trong vài ngày, trên kệ của một vài siêu thị đã tự gỡ nước mắm truyền thống xuống không bán vì thấy không có người mua. Như vậy thì thật khủng khiếp và quả là tai họa cho hàng chục vạn người chế biến nước mắm truyền thống trong nước mất việc như chơi.
Nhà báo Hoàng Hải Vân nêu ra mấy ý rất đáng suy nghĩ: "Thứ nhất, họ chỉ công bố một tỷ lệ rất cao các mẫu nước mắm “không đạt” chỉ tiêu về Arsen, mà Arsen là thạch tín, đối với sự hiểu biết của người dân thì thạch tín chính là thuốc diệt chuột. Người dân chưa cần biết cái thứ “arsen tổng” mà Vinastas công bố có độc hại hay không, chỉ cần biết nước mắm đang có “thuốc chuột” là sợ hãi rồi. Vinastas có đủ khôn ngoan khi “giấu kín” danh mục các mẫu nước mắm được họ lấy, bởi vì họ thừa biết sẽ bị các DN sản xuất nước mắm kiện nếu danh tính những DN này được công bố. Thứ hai, Vinastas có đủ tri thức để biết việc nước mắm có chứa thứ arsen “không đạt chỉ tiêu” kia chẳng gây độc hại gì cho người dùng. Bằng chứng cũng do chính họ công bố, là khi thử nghiệm 20 mẫu trong số các mẫu khảo sát có Arsen tổng vượt ngưỡng quy định thì đều không phát hiện Arsen vô cơ (với giới hạn phát hiện là 0,01mg/L). Họ biết rõ, chỉ tiêu giới hạn chất arsen mà Bộ Y tế quy định là arsen vô cơ, chính nó mới là thứ độc hại, chính nó mới là “thuốc chuột”, còn arsen hữu cơ là thứ có tự nhiên trong con cá, chẳng độc hại gì. Vấn đề là Vinastas biết rõ, các nhà khoa học biết rõ, còn đa số người tiêu dùng thì chỉ cần nghe nói đến nước mắm có “thuốc chuột” là đủ để sợ hãi, chẳng cần biết gì thêm. Thứ ba, biết rõ là không có hại, nhưng tạo thành một chiến dịch truyền thông để làm gì? Vinastas tuyên bố việc công bố thông tin này chỉ để “cảnh báo” mà thôi, nhưng cảnh báo để làm gì thì không thấy họ nói rõ. Nhân danh là bảo vệ người tiêu dùng, nhưng ở đây không hề thấy mục tiêu bảo vệ người tiêu dùng của Vinastas".
Trên báo Kinh tế Đô thị hôm 21/10, TS Trần Đáng - nguyên Cục trưởng Cục Vệ sinh ATTP (Bộ Y tế ) thì cho rằng: Hội Vinastas không có quyền công bố những kết quả kiểm nghiệm liên quan đến ATTP. Nếu làm thiệt hại đến nền sản xuất, thị trường tiêu thụ, Hội này phải bồi thường thiệt hại cho các DN nước mắm theo quy định của pháp luật.
Cũng trên báo Kinh tế & Đô thị, đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương khẳng định, việc làm của Vinastas là vi phạm pháp luật cần phải xử lý nghiêm khắc để làm gương. Vinastas là Hội bảo vệ người tiêu dùng, phải thực hiện đúng chức năng mà Luật về Hội, Nghị định 45 quy định.
Một người bạn tôi công tác ở Ban Chỉ đạo Quốc gia Chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thì chỉ cười rồi nói nhỏ, giọng mỉa mai: “Các cụ ở Vinastas toàn là cụ nghỉ hưu, tiền có đâu mà đi thuê labo xét nghiệm mẫu nước mắm. Các nhà báo nên cho điều tra xem nhóm lợi ích nào núp bóng họ là biết ngay thôi. Nên kiểm tra bằng cách kiểm soát các nguồn tiền các nơi đổ về tài khoản Hội cũng như từ tài khoản Hội chuyển tiếp đi các đơn vị truyền thông thời gian gần đây thì khắc biết nếu như họ vẫn không chịu cung cấp hợp đồng thỏa thuận truyền thông nếu có”.
Tôi được biết, Quốc hội kỳ này, nếu không thay đổi thì sẽ có chương trình thông qua Luật về Hội. Nếu như vậy, tôi nghĩ rằng các đại biểu Quốc hội sẽ dành thời gian minh xét thẩm quyền của Hội sẽ đến mức nào, liệu có được tham gia vào quản lý Nhà nước? Tôi nghĩ, Hội không thể làm thay cơ quan quản lý Nhà nước, tự tung tự tác, muốn làm gì thì làm. Riêng trong vụ việc nước mắm "bốc mùi nhóm lợi ích" này, vai trò và niềm tin của người tiêu dùng xem ra đâu được Vinastas làm tròn nhiệm vụ và đâu có bảo vệ người tiêu dùng như tôn chỉ của Hội nêu, nếu không muốn nói thẳng ra là đang bảo kê cho những nhóm lợi ích (?) thì không phải không có cơ sở như nhiều người phân tích, nhìn nhận.