Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lo chống Covid-19, không lơ là dịch sốt xuất huyết

Thanh Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 26/8, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh đã dẫn đầu đoàn công tác của Sở Y tế kiểm tra tình hình sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn quận Nam Từ Liêm.

 Đoàn công tác của Sở Y tế kiểm tra tình hình sốt xuất huyết tại công trường xây dựng trên địa bàn phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm. Ảnh: Thảo Trần
Qua kiểm tra 5 nhà (là nhà ở, trường mầm non và công trình xây dựng) tại thôn Phú Mỹ, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm cho thấy, 3 nhà không có bọ gậy, còn 2 nhà vẫn có bọ gậy. Qua đó, đoàn công tác đánh giá, địa phương đã chủ động có các biện pháp phòng chống SXH, tuy nhiên, cách làm chưa triệt để.
Giám đốc Trung tâm y tế (TTYT) quận Nam Từ Liêm Nguyễn Thị Thu Trang cho biết, đến thời điểm này, tại quận Nam Từ Liêm có 9 ổ dịch, trong đó có 8 ổ dịch đã kết thúc, hiện còn 1 ổ dịch ở tổ 2, thôn Phú Mỹ, phường Mỹ Đình 2. Tính đến ngày 25/8, toàn quận ghi nhận 156 trường hợp mắc (số mắc giảm so với cùng kỳ năm 2019 là 244 ca).
Các phường có ghi nhận số ca mắc cao là phường Cầu Diễn với 23 ca. Đặc biệt, phường Mỹ Đình 2 có 101 ca, đứng đầu quận Nam Từ Liêm (chiếm tỉ lệ 65%), trong đó 1 trường hợp tử vong. Bệnh nhân chủ yếu ghi nhận 7/14 tổ dân phố. Toàn phường đã có 5 ổ dịch SXH.
Qua theo dõi, số ca mắc vẫn tiếp tục tăng trong những tuần qua và tập trung nhiều tại các tổ dân phố có địa bàn dân cư tập trung đông, nhiều công trình xây dựng và khu nhà cho thuê.
Đoàn công tác của Sở Y tế kiểm tra tình hình sốt xuất huyết tại nhà dân trên địa bàn phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm. Ảnh: Thảo Trần

Theo Giám đốc TTYT quận Nam Từ Liêm, từ đầu năm đến nay, quận đã triển khai 3 chiến dịch tổng vệ sinh môi trường, 2 chiến diệt bọ gậy tại các công trình xây dựng trên địa bàn và kiểm tra được 532 công trình xây dựng của 10 phường.

“Tuy nhiên, công tác phòng chống dịch SXH còn gặp nhiều khó khăn. Chất lượng hoạt động của đội xung kích và tổ giám sát chưa cao, việc diệt bọ gậy tại các công trình xây dựng chưa được thường xuyên, triệt để. Đặc biệt, đây là thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, người dân chủ yếu chỉ lo phòng chống dịch bệnh Covid-19, chủ quan, lơ là đối với dịch SXH”- bà Nguyễn Thị Thu Trang cho hay.
Nhận định về tình hình dịch SXH tại quận Nam Từ Liêm, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội Khổng Minh Tuấn cho biết, với 156 ca mắc, quận Nam Từ Liêm đứng đầu khối quận, gấp đôi các quận Đống Đa, Hà Đông, Hoàng Mai. Đáng lưu ý, ổ dịch tại tổ 2, phường Mỹ Đình 2 có thể diễn biến phức tạp và gia tăng ca mắc mới.
Qua đó, CDC Hà Nội đề nghị địa phương chủ động, quyết liệt xử lý sớm các khu vực có nguy cơ. Cùng với đó, tăng cường giám sát phát hiện sớm các trường hợp nghi mắc SXH tại cộng đồng.
“Liên quan đến ca tử vong tại quận Nam Từ Liêm do sốc khi truyền dịch tại nhà, CDC Hà Nội đề nghị, trong đợt cao điểm của dịch SXH này, phòng y tế quận phải quản lý, quán triệt các cơ sở y tế tư nhân tuyệt đối không được giữ bệnh nhân truyền dịch tại cơ sở hoặc đưa về  nhà” - ông Khổng Minh Tuấn lưu ý.
 Đoàn công tác của Sở Y tế kiểm tra tình hình sốt xuất huyết tại trường mầm non trên địa bàn phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm. Ảnh: Thảo Trần
Đánh giá về tình hình dịch SXH trên địa bàn Hà Nội, Phó Giám đốc Sở Y tế Hoàng Đức Hạnh cho biết, từ đầu năm, Hà Nội có 1.422 người mắc SXH. Từ tháng 4, trên địa bàn TP xuất hiện SXH ở nhiều địa phương, điển hình như Phúc Thọ, Thanh Oai, Thường Tín.
Gần đây, dịch từ ngoại thành chuyển về nội thành. Vì vậy, bên cạnh việc phòng, chống dịch Covid-19, các địa phương phải chủ động phòng, chống SXH, không để xảy ra dịch chồng dịch. “Đây là thời điểm khó khăn nhưng chúng ta phải quyết tâm bằng cách triển khai các kế hoạch, đề án cụ thể. Nếu bị động, để dịch xảy ra mới đi chống thì sẽ rất khó dập dịch”- Phó Giám đốc Sở Y tế nói.
Cũng theo ông Hoàng Đức Hạnh, trong thời gian tới, dự báo thời tiết nắng mưa thất thường, là điều kiện thuận lợi để muỗi sinh sôi, phát triển. Bởi vậy, các địa phương phải khoanh vùng ổ dịch, phát huy vai trò của đội xung kích diệt bọ gậy, “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”.
Ngành y tế cũng khuyến cáo người dân khi có biểu hiện mắc bệnh phải đến ngay cơ sở y tế, không được chủ quan điều trị bệnh tại nhà. Riêng với ổ dịch tại phường Mỹ Đình 2, Sở Y tế yêu cầu quận và phường phải khống chế  được dịch vào cuối tháng 8/2020.