Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lo chùa Hương bị biến dạng

Linh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vốn đầu tư 15.000 tỷ đồng, quy mô dự án 1.000ha, xây tháp Phật Xá Lị cao 100m mang đẳng cấp quốc tế… là những viễn cảnh đang vẽ ra trong siêu dự án du lịch tâm linh tại chùa Hương (Mỹ Đức, Hà Nội). Cho dù đây chỉ là ý tưởng của một DN đề xuất lên TP và mong mỏi sự đồng tình, nhưng rõ ràng nỗi lo về hiện tượng bê tông hóa di sản không phải quá xa.

 Du khách trẩy hội chùa Hương. Ảnh: Công Hùng
Vào tháng 1 đến tháng 3 âm lịch hàng năm, chùa Hương thu hút đông đảo du khách nhờ lễ hội du Xuân với những hoạt động văn hóa đặc sắc. Và thời điểm tháng 10 và tháng 11, nơi đây lại níu chân du khách nhờ cảnh đẹp nên thơ với dòng suối Yến rực đỏ hoa súng nở và cánh đồng cỏ lau thơ mộng. Đúng như đánh giá của TS Phan Đăng Long - nguyên Phó trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, người dân hành hương tới chùa Hương không phải chỉ vì đây là điểm du lịch tâm linh nổi tiếng trong nước và ngoài nước mà còn là di tích, danh thắng quốc gia đặc biệt. Sự đặc biệt của chùa Hương là nhờ có cảnh quan đẹp với di tích nằm giữa thiên nhiên, núi non, dòng suối Yến, nhiều động đá... Chưa nơi nào trên đất Việt thay thế được chùa Hương về cảnh sắc và giá trị văn hóa tâm linh.
Không thể tùy tiện nối dòng, nắn dòng long mạch - suối Yến hay xây tháp cao, kỳ vĩ khu vực vùng đệm, trong một không gian văn hóa, tâm linh Quốc gia đặc biệt.

GS.TS Bùi Quang Thanh - Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam
Mặc dù đã được bảo vệ bởi Luật Di sản và sự quan tâm bảo tồn của TP Hà Nội nhưng chùa Hương không ít lần đứng trước những hành động xâm phạm, phá hoại di tích. Cuối năm 2013, công trình có tên là Hương Nghiêm Pháp Đường với hình thức khá đồ sộ, mọc lên chỉ để phục vụ việc ăn, nghỉ của phật tử. Điều đặc biệt, công trình này xây dựng không phép, sát cạnh chùa Thiên Trù, nằm trong khu vực bảo vệ một của di tích. Tận mắt chứng kiến Hương Nghiêm Pháp Đường, GS Trần Lâm Biền lắc đầu không hiểu tại sao công trình kiến trúc lai căng lại tồn tại ở di sản Phật giáo Việt Nam. Xây hoành tráng nên thường khó phá bỏ, cơ quan quản lý chỉ còn cách “chữa cháy”, chỉnh sửa một vài hình dạng con giống, màu sơn… bên ngoài và cho phép công trình tồn tại. Thắng cảnh chùa Hương méo mó vì công trình dịch vụ như thế.

Đến nay, DN xây dựng Xuân Trường lại đề xuất xây dựng dự án tâm linh Hương Sơn tại chùa Hương. Hiểu đúng nghĩa của các nhà kinh doanh thì đây là một “đại dự án”. Bởi vì quy mô dự án và các ý tưởng hoành tráng đến khó tin: Tổng diện tích thực hiện là 1.000ha, tổng vốn đầu tư khoảng 15.000 tỷ đồng, với các hạng mục như: Nạo vét các dòng chảy để tạo đường thủy khoảng 20km (giống như Tràng An); khôi phục, tôn tạo đền chùa miếu mạo trong khu vực; xây dựng một tháp mang tầm cỡ quốc gia, quốc tế cao 100m để thờ Xá Phật Lợi (tâm điểm là tháp đá đỏ granit); xây dựng hệ thống dịch vụ, khách sạn, nhà hàng… TS Phan Đăng Long lo lắng sẽ có một dự án thương mại nấp sau danh nghĩa du lịch tâm linh mọc lên và rất có thể sẽ lại có một chùa Bái Đính ở ngay chùa Hương, với những khối bị bê tông hóa, sắt thép hóa khô cứng, bí bách, lạnh lẽo.

Trong văn bản mới nhất gửi lên lãnh đạo UBND TP, Sở KH&ĐT cũng đã lưu ý việc lập dự án phải xem xét, tính tới các quy hoạch kinh tế - xã hội, kiến trúc đã có và tránh bị chồng lấn với các dự án khác đã được phê duyệt nghiên cứu quy hoạch cũng tại khu vực chùa Hương.

Sẽ còn rất nhiều bài học người ta nói về cách ứng xử với di tích quốc gia đặc biệt chùa Hương. Trong đó không chỉ có bài học đưa linh vật ngoại lai vào di tích, dựng bia công đức phản cảm ở chùa Trình, xây Hương Nghiêm Pháp Đường ở khu vực chùa Thiên Trù…; mà còn ở cả những ý tưởng “đại dự án” cũng không làm chùa Hương đẹp lên mà chỉ làm biến dạng di sản. Vẫn biết hàng quán, dịch vụ và cả cách thức đón khách thập phương về trẩy hội ở chùa Hương còn nhiều điều phải chấn chỉnh, nhưng cũng không phải bằng “đại dự án” 15.000 tỷ đồng như của DN xây dựng Xuân Trường.