Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lò đã đỏ lửa

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cùng với những chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại cuộc họp của Ban chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng; kết luận Kỳ họp thứ 16 của Ủy ban Kiểm tra T.Ư về các vi phạm, khuyết điểm của một số tập thể, cá nhân là cán bộ cao cấp đương chức và cả nghỉ hưu… và cả câu chuyện Trịnh Xuân Thanh đầu thú, bắt tạm giam ông Trầm Bê… đã tiếp tục củng cố niềm tin vững chắc của Nhân dân vào sự quyết tâm chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước.

Dù thực tế hiện nay khoảng cách giữa phát hiện, xử lý và thực trạng tham nhũng vẫn khiến không ít người cảm thấy "day dứt"; đặc biệt, tài sản, đất đai sai phạm rất lớn nhưng thu hồi được còn rất ít, nhưng có thể nói rằng, thời gian qua, công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) đã có những bước chuyển lớn. Các vụ "đại án tham nhũng", gây thất thoát tài sản nhà nước được đưa ra ánh sáng, nhiều quan tham lần lượt ra hầu tòa và nhận những mức án nghiêm khắc, có tính răn đe. Đây là minh chứng cụ thể nhất cho quyết tâm PCTN của các cấp, các ngành. Từ đây, những tín hiệu tích cực trong cuộc đấu tranh này cũng sẽ được người dân kỳ vọng khi hàng loạt sự việc đang được chỉ đạo làm rõ.
 “Từng bước, chắc chắn, hiệu quả” là những lời được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc đến nhiều lần. Đồng thời cho thấy, cái mừng, cái mới trong cuộc đấu tranh lần này là sau khi có chỉ đạo, cả bộ máy, cả hệ thống chính trị vào cuộc. Như Tổng Bí thư đã nói tại phiên họp của Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTN vừa qua: “Cái lò đã nóng lên rồi, thì củi tươi vào đây cũng cháy. Củi khô, củi vừa vừa cháy trước, rồi cả lò nóng lên, tất cả các cơ quan vào cuộc, không có ai đứng ngoài. Mà không thể đứng ngoài được, cá nhân nào có không muốn làm cũng không được”.
Và đúng như Tổng Bí thư nhận định, đấu tranh PCTN không còn lẻ tẻ từng vụ, từng việc, đã trở thành phong trào, xu thế của cả xã hội. Với việc huy động sức mạnh toàn dân của cả hệ thống chính trị, Nhân dân đồng tình, báo chí vào cuộc… Rồi các cơ quan chức năng đã tập trung kiểm tra, thanh tra, kiểm toán các lĩnh vực nhạy cảm, dư luận nghi ngờ có tham nhũng, nhất là kiểm tra, kết luận các sai phạm và tiến hành xử lý kỷ luật nghiêm minh các tổ chức cá nhân để xảy ra sai phạm, kể cả người đương chức và có chức đã về hưu.
Trở lại cả vụ việc đang được dư luận quan tâm là Trịnh Xuân Thanh đầu thú. Nhiều ý kiến cho rằng, sự việc này sẽ giúp gỡ nhiều nút thắt trong quá trình giải quyết vụ án và tiếp tục làm rõ trách nhiệm của những cá nhân liên quan. Đồng thời có thể sẽ có tác dụng răn đe khiến những kẻ đang có ý định tham nhũng phải chùn bước. Bởi đã có dấu hiệu tham nhũng nghĩa là có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì từ lãnh đạo cho đến người dân bình thường đều phải bình đẳng với nhau và phải xử lý theo pháp luật.
Và từ chỗ “đang có đà, đang có xu thế” ấy, nhiều người kỳ vọng rằng, cuộc đấu tranh PCTN sẽ thực sự làm quyết liệt hơn nữa, hiệu quả cao hơn nữa, không có trở ngại nào cả, không sợ sức ép nào cả. Cùng với vụ việc của Trịnh Xuân Thanh, hàng loạt sự việc, hàng loạt vụ án đã được đích danh chỉ đến, cho thấy rõ quyết tâm chống tham nhũng của Đảng mà người đứng đầu là Tổng Bí thư; thấy rõ việc xử lý vi phạm là không có vùng cấm và không loại trừ cá nhân nào. Nói như một ĐB Quốc hội dù là có “trốn lâu, râu dài tới rốn” mà tóm được thì cũng không thoát tội và “bản án phải cứng rắn như lửa đỏ để cho người phạm tội sờ vào thấy sợ và những người khác không dám lăm le”.