Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lộ dần nguyên nhân máy bay QZ8501 rơi

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Có nhiều giả thiết xung quanh nguyên nhân khiến máy bay Airbus A320 của hãng hàng không AirAsia rơi xuống biển Java, Indonesia, tuy nhiên, thời tiết đang là yếu tố được chú ý hơn cả.

Cơ quan Khí tượng và Vật lý địa cầu Indonesia (BMKG) tin rằng thời tiết xấu là nguyên nhân gây ra thảm họa.

Báo cáo của cơ quan này cho hay, "dựa trên dữ liệu thu được từ vị trí liên lạc lần cuối cùng của máy bay Airbus A320, thời tiết là yếu tố khởi phát gây ra vụ tai nạn".

Theo báo cáo của BMKG, QZ8501dường như đã bay vào các đám mây bão. Hiện tượng thời tiết có khả năng xảy ra nhất là đóng băng, khiến động cơ máy bay bị hỏng.

Dẫu vậy, đây chỉ là một trong những khả năng có thể, được đưa ra dựa trên kết quả phân tích dữ liệu khí tượng hiện có. Song, nếu như khả năng này là đúng thì vì sao QZ8501 lại bay vào khu vực thời tiết nguy hiểm?

 
Hình ảnh vệ tinh hôm 28/12, ngày xảy ra thảm họa,cho thấy xung quanh thời điểm máy bay của AirAsia mất tích có các dấu hiệu của cơn bão lớn trong vùng lân cận - Ảnh:NOAA
Hình ảnh vệ tinh hôm 28/12, ngày xảy ra thảm họa,cho thấy xung quanh thời điểm máy bay của AirAsia mất tích có các dấu hiệu của cơn bão lớn trong vùng lân cận - Ảnh:NOAA
Phi công không nhận được báo cáo thời tiết?

Tờ Strais Times ngày 4/1 cho hay, theo thông tin rò rỉ từ một bản báo cáo của BMKG gửi Bộ trưởng Giao thông vận tải Indonesia, ông Ignatius Jonan, vào ngày 31/12, nhân viên điều hành chuyến bay AirAsia (FOO) chỉ nhận bản báo cáo thời tiết từ cơ quan BMKG sau khi chiếc QZ8501 mất liên lạc với trạm kiểm soát không lưu vào 6h17.

"AirAsia nhận được báo cáo thời tiết của BMKG lúc 7h", Strait Times dẫn lời người đứng đầu BMKG Andi E. Sakya, cho biết hôm 28/12.

Chiếc máy bay khởi hành từ sân bay quốc tế Juanda ở Surabaya lúc 5h35. Cựu thanh tra Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Indonesia (KNKT) Ruth Hanna Simatupang cho biết theo quy định, các phi công phải nhận được báo cáo thời tiết từ BMKG ít nhất 10 phút trước khi cất cánh.

Bà Hanna cho hay, "theo quy trình tiêu chuẩn, mỗi khi phi công vạch ra kế hoạch bay, họ phải xem xét báo cáo thời tiết của BMKG", "vậy làm sao phi cơ có thể bay khi không có báo cáo thời tiết từ cơ quan này?".

Bà Hanna cho rằng một yếu tố có thể là việc khởi hành vào sáng sớm. "Chuyến bay xuất phát rất sớm vào buổi sáng và tổ bay phải chuẩn bị sẵn sàng ít nhất 2,5 giờ trước đó vì đây là một chuyến bay quốc tế. Sân bay Juanda có chuẩn bị cho tổ bay lúc 4h hay không? Đó có thể là lý do FOO không nhận được báo cáo thời tiết từ BMKG. Hoặc có thể do nhân viên BMKG không chuẩn bị sẵn sàng", bà Hanna nói.

 Tuy nhiên, Giám đốc Điều hành của AirAsia Indonesia Sunu Widyatmoko bác bỏ cáo buộc trên và khẳng định "AirAsia Indonesia luôn xem xét và rất cẩn thận khi đánh giá báo cáo thời tiết từ BMKG trước mỗi chuyến bay".

Giám đốc Widyatmoko cho biết, trạm khí tượng của BMKG ở sân bay quốc tế Soekarno-Hatta đã gửi các báo cáo thời tiết đến cho hãng AirAsia bằng email 4 giờ một lần. Do đó, cơ trưởng của chuyến bay QZ8501 đã nhận được báo cáo này trước khi cất cánh.

Theo Straits Times, bản đồ thời tiết của BMKG cũng cho thấy đã có những đám mây vũ tích trên hành trình của chiếc máy QZ8501 vào ngày 28/12 và chi tiết này củng cố cho giả thiết thời tiết là nguyên nhân chính của vụ rơi máy bay này.

Trước đó, Bộ Giao thông vận tải Indonesia đã quyết định đình chỉ giấy phép bay tuyến Surabaya - Singapore của hãng AirAsia do chuyến bay mang số hiệu QZ8501 của hãng từ Surabaya đến Singapore vào hôm 28/12 có những điểm vi phạm điều khoản trong giấy phép.

Trong hợp đồng số AU.008/30/6/DRJU.DAU-2014 ngày 24/10/2014 liên quan đến tuyến đường bay Surabaya-Singapore (PP) được trao cho AirAsia quy định rõ các chuyến bay chỉ được cấp phép vào thứ hai, thứ ba, thứ năm và thứ bảy hàng tuần, trong khi chuyến bay số hiệu QZ8501 đã bay vào ngày Chủ nhật.

Liên quan đến công tác cứu nạn, lực lượng chức năng Indonesia đã tìm thêm được 3 thi thể nạn nhân. Như vậy, tính đến chiều 4/1, số thi thể được tìm thấy là 34 trong tổng số 162 người có mặt trên chuyến bay này.

Các lực lượng của Indonesia cũng như nhiều nước khác trên thế giới đang tích cực tìm kiếm thi thể nạn nhân cũng như các mảnh vỡ của chiếc máy bay AirAsia gặp nạn.