Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lộ diện 10 đề cử cho giải thưởng "Công trình của Năm"

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ban tổ chức giải thưởng “Công trình của Năm” vừa công bố 10 đề cử chính thức trong năm 2015.

1. Chi House (T​hành phố Hồ Chí Minh)

Thiết kế: G+ Architects
 
Lộ diện 10 đề cử cho giải thưởng "Công trình của Năm" - Ảnh 1

 
Chi House là công trình nằm trong một khu dân cư yên tĩnh thuộc Quận Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh. Khu đất xây dựng có diện tích 71m2 với hình thù khá phức tạp. Thế đất phức tạp cùng mặt tiền ở hướng chính Tây trở thành một bài toán hấp dẫn cho kiến trúc sư khi anh được kiêm luôn vai trò gia chủ. Ở mặt tiền, kiến trúc sư sử dụng giải pháp hai lớp áo, với lớp vỏ ngoài là gạch bông gió làm từ đất nung, được gia chế thêm một góc vát.

Cách bố trí gạch theo nhiều chiều ngẫu hứng tạo nên tính nhịp điệu độc đáo cho mặt đứng công trình và các hiệu ứng về thị giác cho không gian bên trong khi nắng qua nhà. Cây xanh được đưa vào công trình một cách tự nhiên ở những khoảng đệm, hành lang, ban công, giếng trời như một giải pháp làm mát và phủ xanh chốn ở.

2. Đại học FPT (Hòa Lạc, Hà Nội)

Thiết kế: Vo Trong Nghia Architects
Lộ diện 10 đề cử cho giải thưởng "Công trình của Năm" - Ảnh 2

 
Trường Đại học FPT được xây dựng tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc của thủ đô Hà Nội. Đây sẽ là nơi đào tạo các thế hệ kỹ sư và kỹ thuật viên trẻ để đóng góp cho việc phát triển một Việt Nam bền vững trong tương lai.

Công ty trách nhiệm hữu hạn Võ Trọng Nghĩa đã đưa ra ý tưởng thiết kế xanh cho trường Đại học FPT nhằm giảm thiểu việc phụ thuộc vào các hệ thống phát điện dự phòng. Hơn nữa việc trồng cây tại các ô block như một lớp xanh bảo vệ tòa nhà khỏi ánh sáng trực tiếp từ mặt trời đồng thời tạo ánh sáng tự nhiên mà không cần dùng đèn điện. Việc tận dụng gió tự nhiên thông thoáng cho cả tòa nhà cũng được tính toán thiết kế kỹ lưỡng.

3. FA house (Lâm Đồng)

Thiết kế: Tho.A
Lộ diện 10 đề cử cho giải thưởng "Công trình của Năm" - Ảnh 3

 
Ngôi nhà vốn được người cha đã mất tự tay xây dựng nhưng đã bị bỏ hoang 20 năm. Chủ nhà muốn quay trở lại, coi đây như là một kỷ vật và tránh xa cảnh phố xá chật chội ngột ngạt. Để giữ lại được tối đa xác và hồn ngôi nhà cũ, người thiết kế chọn giải pháp bao trọn toàn công trình trong lớp vỏ mới trong suốt. Như vậy việc sử dụng bên trong ngôi nhà cũng như cái nhìn từ bên ngoài sẽ vẫn mang bóng dáng công trình cũ mà không lo sợ tác động trực tiếp của thời tiết lên xác nhà.

Lớp vỏ mới cũng sẽ giải quyết các chức năng mới và nhu cầu mở rộng diện tích sử dụng của chủ nhà. Với mô hình nhà kính này chủ nhà còn có thể thỏa mãn thú vui chăm sóc cây cối của mình bất kể thời gian và thời tiết.

4. F-coffee (Đồng Hới, Quảng Bình)

Thiết kế: Wangstudio
Lộ diện 10 đề cử cho giải thưởng "Công trình của Năm" - Ảnh 4

 
F-coffee được thiết kế dựa trên những khái niệm cơ bản nhất của sự tối giản, gạch, bê tông trần, sàn đá rửa, cây xanh và mặt nước đủ tạo nên một không gian cô đọng và cảm xúc. Có ba lớp không gian chính, lớp thứ nhất là không gian sân vườn với cây xanh và mặt nước lớp thứ hai là không gian hành lang tiếp xúc trực tiếp với hồ nước và sân vườn. Lớp thứ ba ở vị trí trung tâm, riêng tư hơn và có thể sử dụng máy lạnh khi cần thiết.

Toàn bộ không gian trong và ngoài được tạo nên bởi 24 vòm gạch trần, ngôn ngữ tạo hình duy nhất được sử dụng, qua đó truyền tải triết lý tạo nên không gian của các kiến trúc sư: dùng ít nhất để có hiệu quả cao nhất.

5. Layerscape (Khu công nghiệp Hòa Khánh, Đà Nẵng)

Thiết kế: KIENTRUC O
Lộ diện 10 đề cử cho giải thưởng "Công trình của Năm" - Ảnh 5

 
Một trong những luận cứ cốt lõi để tạo ta Kiến trúc là mang tới không gian sinh sống giữa thiên nhiên. Ranh giới giữa thiên nhiên và con người phải được tạo lập trong mối quan hệ cộng sinh chặt chẽ.

Dự án Layerscape được phát triển nhằm tạo ra các lớp không gian chuyển tiếp từ bên trong ra ngoài và ngược lại, để có thể đạt tới sự tường minh của không gian và ánh sáng. Không gian này được tạo ra từ việc nghiên cứu sâu sắc về kiến trúc địa phương, sự khéo léo của các mặt phẳng hình học nhằm tạo ra chức năng quan sát và sử dụng khu vườn trong nhà và ngoài trời. Như vậy, ranh giới tồn tại trong một chiều được phân định bởi trục ảo trong, ngoài, giữa con người và thiên nhiên.

6. Naman Spa (Đà Nẵng)

Thiết kế: MIA Design Studio
Lộ diện 10 đề cử cho giải thưởng "Công trình của Năm" - Ảnh 6

 
Công trình Spa là một ốc đảo tĩnh lặng với những tiện nghi đạt tiêu chuẩn năm sao của khu nghỉ dưỡng Naman, Đà Nẵng. MIA Design Studio đã khéo léo áp dụng giải pháp thông gió tự nhiên để tạo sự thoáng mát cho công trình cùng những trải nghiệm mới mẻ cho khách hàng.

Trong không gian được bao phủ bởi những loài cây địa phương, mỗi giờ trị liệu thư giãn đều trở thành những khoảnh khắc phục hồi sức khỏe, khi mà khách hàng có thể tận hưởng không gian sang trọng nhưng không kém phần riêng tư. Mặt đứng của công trình được tạo nên bởi những họa tiết đan chéo xen kẽ với những cảnh quan xuôi theo chiều dọc giúp giảm bớt ánh nắng nhiệt đới gay gắt, tạo nên một vở kịch nhịp nhàng giữa ánh sáng và bóng râm trên những bức tường đầy họa tiết. Những loại cây khác nhau được bố trí một cách cẩn trọng, tạo thành một phần không thể tách rời trong bữa tiệc kiến trúc.

7. Nhà cộng đồng xã Cẩm Thanh (Hội An)

Thiết kế: Văn phòng kiến trúc 1+1>2
Lộ diện 10 đề cử cho giải thưởng "Công trình của Năm" - Ảnh 7

 
Được xây dựng như một biểu tượng kết tinh các giá trị văn hóa và góp phần cải thiện sinh kế của cư dân địa phương, Nhà cộng đồng xã Cẩm Thanh lấy ý tưởng thiết kế từ chính ngôi làng cùng những nguyên vật liệu quen thuộc. Nhìn từ bên ngoài, công trình mang đậm nét đặc trưng tiêu biểu cho hình ảnh nông thôn làng quê Việt Nam với rừng cau thẳng đứng. Giàn cây leo giăng ngang những thân cau kết hợp hệ cấu trúc mái thích nghi gió bão, cùng hình thành lớp vỏ kép giảm đáng kể bức xạ mặt trời, tạo diện tích bóng mát lớn, sinh động. Sân trong gợi nhắc không gian nhà cổ Hội An, thông gió đối lưu.

Nhà cộng đồng xã Cẩm Thanh là nơi tập huấn ứng phó biến đổi khí hậu và là không gian sinh hoạt văn hóa, thể thao. Trong dài hạn, đây sẽ là trung tâm thử nghiệm nông nghiệp hữu cơ, tổ chức nghiên cứu, chia sẻ kinh nghiệm canh tác.

8. Saigon House (T​hành phố Hồ Chí Minh)

Thiết kế: a21studĩo
Lộ diện 10 đề cử cho giải thưởng "Công trình của Năm" - Ảnh 8

 
Saigon house là công trình hoài niệm về không gian xưa cũ của Sài Gòn-Gia Định xưa mà điển hình là Vân Đường phủ, một kiệt tác kiến trúc của một dân chơi – cụ Vương Hồng Sển (1902-1996), đã bị phá hoại. Ngôi nhà cũng là tình yêu của các kiến trúc sư a21studĩo đối với những con hẻm Sài Gòn: tràn ngập nắng mưa, thanh bình và đầy mơ mộng.

9. Tòa nhà văn phòng SRDP-IWMC (Hà Tĩnh)

Thiết kế: H&P Architects
Lộ diện 10 đề cử cho giải thưởng "Công trình của Năm" - Ảnh 9

 
Nằm tại trung tâm thành phố Hà Tĩnh, nhóm kiến trúc sư của công ty H&P Architects đã hoàn thành  tòa nhà văn phòng này rộng 1.300 m2 với khoản chi phí thi công tương đối thấp khoảng 500.000 USD (tương đương hơn 10 tỷ đồng). Kiến trúc văn phòng độc đáo này đã đạt được ba tiêu chí: Có thiết kế độc đáo, tiết kiệm chi phí và thi công nhanh.

Công trình này là một ý tưởng về cải thiện việc sử dụng cây xanh vào các công trình đô thị mà vẫn đáp ứng đủ nhu cầu năng lượng trong tương lai. Đồng thời, việc kết hợp giữa nông nghiệp và kiến trúc là nền tảng cho sự phát triển bền vững.

10. Nhà “Tổ Mối” (Đà Nẵng)

Thiết kế: Tropical Space
Lộ diện 10 đề cử cho giải thưởng "Công trình của Năm" - Ảnh 10

 
Lấy cảm hứng từ khả năng làm tổ đặc biệt của loài mối thường bắt gặp ở địa phương, ngôi nhà được thiết kế với một không gian chung lớn kết nối các khu chức năng khác như nơi tiếp khách, phòng ngủ, bếp, bàn ăn… ở xung quanh.

Công trình sử dụng vật liệu chính là gạch nung, một loại vật liệu truyền thống được sản xuất phổ biến ở địa phương và làm gợi nhớ đến các quần thể tháp Chăm huyền bí. Các tấm sàn được đúc bằng bê tông trần, nền nhà sử dụng vật liệu quen thuộc là đá mài. Tất cả đồ nội thất được đóng bằng gỗ được sử dụng lại từ mái của ngôi nhà cũ. Điều này làm cho tổng chi phí xây dựng thực tế của công trình được tiết kiệm đáng kể.