Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lộ diện định hướng chính

Nguyên Sa
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kể từ khi lên cầm quyền, tân Tổng thống Mỹ Joe Biden trong các phát ngôn công khai cũng như quyết sách đã đưa ra đều cho thấy cứng rắn với Trung Quốc.

Về phương diện đối ngoại, cạnh tranh chiến lược quyết liệt và không khoan nhượng được ông Biden và cộng sự xác định là một trong những mục tiêu hàng đầu. Nhưng phải đến cuộc họp báo đầu tiên vừa rồi, ông Biden mới cho biết cụ thể ba định hướng chính trong chính sách của chính quyền mới đối với Trung Quốc.

Theo đó, Mỹ sẽ không để cho Trung Quốc vươn lên dẫn đầu thế giới về kỹ thuật và công nghệ, Mỹ không đơn lẻ cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc và đối phó Trung Quốc mà tập hợp lực lượng bao gồm đồng minh và đối tác. Mỹ đặc biệt để ý đến tình trạng dân chủ, nhân quyền và nhà nước pháp quyền ở Mỹ. Cả ba định hướng này đều hàm chứa thông điệp về xung khắc và đối đầu, do vậy làm mờ nhạt đi rất nhiều chủ định của ông Biden là duy trì hợp tác với Trung Quốc trên những lĩnh vực và trong những vấn đề có thể hợp tác được bởi là chuyện chung của cả thế giới hay khu vực chứ không phải là chuyện riêng trong quan hệ song phương giữa Mỹ và Trung Quốc.

Ông Biden khác so với người tiền nhiệm ở đây là thực hiện tham vọng không để cho Trung Quốc vươn lên dẫn đầu thế giới về kỹ thuật và công nghệ không phải bằng cách gây khó với Trung Quốc mà bằng cách tăng cường đầu tư cho nghiên cứu và phát triển về khoa học, kỹ thuật và công nghệ. Ông Biden cũng khác người tiền nhiệm ở chỗ chủ định biến xung khắc lợi ích chiến lược cơ bản giữa Mỹ với Trung Quốc trở thành chuyện giữa cả các đồng minh và đối tác của Mỹ với Trung Quốc. Và điều đáng được chú ý là Mỹ sẽ quyết liệt với Trung Quốc về dân chủ, nhân quyền và nhà nước pháp quyền, cũng có nghĩa là chủ ý cọ xát và đối kháng với Trung Quốc về ý thức hệ.

Những định hướng chính sách mới này của Mỹ báo hiệu bắt đầu thời kỳ quan hệ mới giữa Mỹ và Trung Quốc.