Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lo dự án nghìn tỷ đắp chiếu

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kế hoạch tài chính 5 năm, nợ công và kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020, là những vấn đề được thảo luận sôi nổi tại nghị trường Quốc hội ngày hôm qua.

Nếu kế hoạch tài chính trung hạn mang tính định hướng, thì kế hoạch đầu tư công trung hạn lại mang tính cụ thể. Nhưng hầu hết các ĐB Quốc hội đều bày tỏ sự lo lắng khi nợ công tăng, áp lực trả nợ lớn, trong khi đó các dự án đầu tư thì dàn trải, kém hiệu quả…
 Đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh Phạm Phú Quốc phát biểu ý kiến. Ảnh: An Đăng - TTXVN 
Đây là lần đầu tiên kế hoạch đầu tư công trung hạn đề ra, dựa trên quan điểm, một mặt để phát triển cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện cho phát triển DN, thúc đầy tăng trưởng, mặt khác thực hiện các mục tiêu xã hội… Đúng ra, kế hoạch này phải được thông qua từ cuối nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIII, nhưng đến nay mới trình ra và vẫn chưa thuyết phục được ĐB. Không chỉ tại phiên thảo luận ở hội trường này, mà ngay từ phiên thảo luận tổ, nhiều ý kiến đã băn khoăn về cơ sở để thông qua kế hoạch đầu tư công giai đoạn tới khi kết quả của 5 năm qua vẫn chưa được đánh giá xác thực. Nổi cộm nhất là hiệu quả đầu tư công trong giai đoạn vừa qua chưa cao. Vẫn còn tình trạng bố trí vốn dàn trải, thiếu tập trung, chậm trễ, dẫn đến nhiều mục tiêu trọng tâm chưa hoàn thành, nhiều công trình dở dang, phải đình, giãn, hoãn tiến độ, lãng phí nguồn lực. Như ĐB Nguyễn Ngọc Phương dẫn chứng, “chỉ 5 dự án: xơ sợi Đình Vũ, gang thép Thái Nguyên, bột giấy Phương Nam, đạm Ninh Bình, nguyên liệu sinh học Dung Quất đã làm "tiêu tan" trên 30.000 tỷ đồng.
Bởi thế, khi đặt vấn đề trong bối cảnh nguồn lực ngân sách hạn hẹp, khó khăn, nhiều dự án nghìn tỷ hoạt động không hiệu quả rồi "đắp chiếu", bỏ hoang khiến các ĐB không khỏi lo lắng. Trong khi đáng lẽ ra Chính phủ phải “chỉ đích danh dự án, quy được trách nhiệm cụ thể cho các cá nhân”, thì vẫn dừng ở nêu chung chung theo kiểu "bắn chỉ thiên". Trước số tiền Chính phủ dự kiến tổng mức vốn đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 là 2 triệu tỷ đồng (trong đó, bao gồm cả 260.000 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ, ngân sách T.Ư là 1,12 triệu tỷ đồng, đáp ứng khoảng 50% nhu cầu đầu tư), câu hỏi đầu tư thế nào cho hiệu quả càng khó khăn hơn.
Có ĐB cho rằng cần cân nhắc việc thông qua kế hoạch này, bởi chỉ riêng tài liệu đã gửi muộn cho các ĐB, hàng trăm trang không có thuyết minh, thiếu ưu tiên và trọng tâm, trọng điểm… Có ĐB đồng tình với mục tiêu kế hoạch đề ra là “đầu tư tập trung, công khai, minh bạch, ưu tiên các công trình cấp bách…”, nhưng lại lo lắng khi việc phân bổ vốn đầu tư chưa bám sát quan điểm này. Nhiều dự án xác định cấp bách trọng điểm song chưa đưa vào để đầu tư như ứng phó biến đổi khí hậu, nông nghiệp…
Nguồn lực ngân sách có hạn nhưng trọng tâm trong 5 năm tiếp theo là gì xem ra vẫn chưa rõ ràng khi tất cả các lĩnh vực đều dàn đều, lĩnh vực nào cũng quan trọng, lĩnh vực nào cũng cần đầu tư. Chính Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nhìn nhận, kế hoạch đầu tư công trung hạn là vấn đề rất khó, các nhiệm vụ và mục tiêu rất nhiều, trong khi ngân sách hạn hẹp, khả năng huy động các nguồn lực trong xã hội rất khó khăn. Dù thể hiện quan điểm là “cần tập trung ưu tiên đầu tư công cho các dự án trọng điểm, bên cạnh đó cũng phải đầu tư cho các địa phương khó khăn để thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các địa phương” và Chính phủ cũng “để” các địa phương được tự chủ tự rà soát, chọn danh mục dự án đầu tư theo mức độ quan trọng của mình. Nhưng nhiều ĐB sau phiên thảo luận vẫn thấy phân vân trong phân bổ ngân sách. Nếu thông qua kế hoạch thì không hết trách nhiệm với dân, nhưng lùi mãi thì về đến địa phương có khi muộn mất hai năm. Nhưng khi nợ công đã sát trần, ở mức cao, phân bổ vốn đầu tư đem lại hiệu quả cho nền kinh tế, giảm nợ công, nợ Chính phủ nhìn ở góc độ nào các ĐB cũng thấy không dễ dàng.