Bà Lê Thị Lan, Hiệu trưởng trường Tiểu học Sơn Công cho biết: Hơn 10 năm qua, học sinh và giáo viên nhà trường đã phải sống chung với khói lò, mùi than của các lò gạch liên tục tạt vào trong trường mỗi khi các chủ lò đốt gạch. Có những hôm, khói lò, mùi than tạt vào trường học khiến giáo viên và học sinh không thể chịu được đành sử dụng biện pháp đóng toàn bộ cửa các lớp học, thậm chí có những hôm thầy trò nhà trường phải đeo khẩu trang để dạy và học. Việc khói lò gạch và mùi than không chỉ làm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của hàng ngàn học sinh, giáo viên nhà trường mà nó còn ảnh hưởng đến chất lượng học tập của học sinh.
Ông Nguyễn Văn Ly, Trạm trưởng Trạm y tế xã Sơn Công cho rằng: Nhiều hôm, người dân trong địa phương đến trạm y tế nằm điều trị bệnh nhưng lại phải hít khói lò gạch và ngửi mùi than khiến bệnh tình không giảm mà còn nặng hơn. Chúng tôi nhiều lần kiến nghị bằng đơn, thư, thậm chí có những lần còn gặp trực tiếp lãnh đạo UBND huyện Ứng Hòa và UBND xã Sơn Công nhưng chẳng thấy dẹp bỏ hai lò gạch thủ công. Ngược lại, những lò gạch này vẫn hiên ngang nhả khói "hun" trạm y tế và trường học.
Ông Lê Xuân Dân, Chủ tịch UBND xã Sơn Công thừa nhận: Trên địa bàn xã hiện có 7 lò gạch thủ công. Các chủ lò gạch này đều ký hợp đồng với các HTXNN hàng chục năm và kéo dài đến 2016. Đa phần các hợp đồng đều này đều trái luật, tuy nhiên do thẩm quyền của xã có hạn, khi phát hiện những hợp đồng này được ký sai thì "sự đã rồi". UBND xã cũng chỉ được phép xử phạt hành chính nên không thể dẹp bỏ các lò gạch thủ công trên địa bàn xã được. UBND xã cũng đã kiến nghị, đề nghị với UBND huyện tổ chức lực lượng dẹp bỏ các lò gạch thủ công trên địa bàn xã, đặc biệt là hai lò gạch ở phía sau các trường học, trạm y tế nhưng sau nhiều lần kiến nghị UBND huyện Ứng Hòa vẫn không có văn bản trả lời. Đến nay, hàng nghìn học sinh, giáo viên và bệnh nhân đến trạm y tế xã khám chữa bệnh mỗi ngày vẫn phải chịu cảnh sống chung với khói lò gạch.