Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lo giải ngân vốn đầu tư công chậm

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - So với kế hoạch vốn đầu tư năm 2019, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công mới chỉ đạt hơn 23% kế hoạch được giao (số liệu của Kho bạc Nhà nước - KBNN).

Trong nhiều nguyên nhân thì chậm GPMB và chậm giao vốn vẫn là hai nút thắt “cản đường” giải ngân vốn đầu tư công.
Giải phóng mặt bằng kéo chậm tiến độ giải ngân
Theo số liệu mới nhất của KBNN, tính đến thời điểm 31/5, vốn đầu tư giải ngân ước đạt 96.899 tỷ đồng, đạt 23,25% so với kế hoạch Quốc hội giao và đạt 26,39% so kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. So với kế hoạch vốn đầu tư năm 2019 được giao (416.800 tỷ đồng), tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư 5 tháng đầu năm 2019 vẫn rất thấp.
Giải ngân chậm đang là thực trạng chung tại nhiều địa phương. Theo số liệu của Sở KH&ĐT Hà Nội, hiện mức giải ngân trung bình của các dự án đầu tư công, sử dụng vốn ngân sách của TP trong 5 tháng qua mới đạt 15,8% kế hoạch cả năm.
Đây là các dự án thuộc những lĩnh vực quan trọng, có ý nghĩa dân sinh như xây dựng, giao thông, văn hóa, môi trường, cấp thoát nước... Hay như tại tỉnh Điện Biên, kết quả giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh đến hết ngày 15/5 chỉ đạt 18,63% trên kế hoạch vốn được giao.
 Thi công dự án đường vành đai 3 đoạn từ cầu Thăng Long  đến cầu Mai Dịch. Ảnh: Chiến Công
Theo Phó Tổng Giám đốc KBNN Nguyễn Quang Vinh, tỷ lệ giải ngân thấp bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Về cơ chế, việc giải ngân đang có bất cập cần phải sửa từ Luật Đầu tư, Luật Xây dựng… Về quy trình, việc phân bổ nguồn vốn còn nhiều chậm chễ từ phía chủ đầu tư, nhà thầu.
Ngoài ra còn có vướng mắc từ Luật Đất đai liên quan đến công tác GPMB. Phía các địa phương, đại diện KBNN Hà Nội cho biết, cơ quan này sẽ chủ động tháo gỡ, xử lý kịp thời vướng mắc phát sinh về hồ sơ, thủ tục thanh toán nhằm hỗ trợ, hướng dẫn chủ đầu tư hoàn thiện hồ sơ để thanh toán. Kho bạc cũng chủ động nắm chắc tình hình, giúp lãnh đạo TP có những căn cứ, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành.
Chậm hoàn chỉnh thủ tục, kiến nghị thu hồi số vốn được giao
Phó Vụ trưởng Vụ Đầu tư - Bộ Tài chính Mai Thị Thùy Dương cho biết, muốn “gỡ nút thắt” GPMB để đẩy nhanh tiến độ giải ngân thì cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan. Về phía Bộ Tài chính sẽ tiếp tục có các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư những tháng cuối năm 2019.
Theo đó, Bộ Tài chính yêu cầu các chủ đầu tư phải thực hiện kịp thời, đầy đủ các quy định về quản lý vốn đầu tư công đã được Quốc hội giao dự toán ngân sách Nhà nước năm 2019.
Bên cạnh đó, các chủ đầu tư phối hợp tổ chức đền bù GPMB hoặc tổ chức phát triển quỹ đất tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; Chủ động phối hợp với các cấp, các ngành xử lý các vướng mắc phát sinh (như điều chỉnh dự toán, điều chỉnh hợp đồng,…) nhằm hoàn thành tốt kế hoạch vốn đầu tư xây dựng cơ bản Nhà nước giao năm 2019.
Các cơ quan chức năng, chủ đầu tư cần đôn đốc, giám sát nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công công trình; tổ chức nghiệm thu ngay khi dự án, công trình hoàn thành, phối hợp với nhà thầu, đơn vị tư vấn hoàn thiện hồ sơ để gửi KBNN làm cơ sở kiểm soát, thanh toán, tránh dồn vào những ngày cuối năm.
Về việc giao vốn chậm, bà Mai Thị Thùy Dương cho hay, vừa qua, Quốc hội đã giao vốn hết cho các bộ, ngành, địa phương trong năm 2019, Thủ tướng Chính phủ căn cứ vào những dự án đủ điều kiện để giao vốn cụ thể.
Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn một số dự án chưa đủ điều kiện, đang được Bộ KH&ĐT trình Thủ tướng Chính phủ giao nốt vốn trong tháng 6/2019. Những dự án này, nếu các bộ, ngành không hoàn chỉnh đủ thủ tục được giao thì Bộ Tài chính sẽ kiến nghị thu hồi hết số vốn đó.