Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

“Lo giữ ghế thì tôi chẳng dám làm”

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Gần 21g, đi làm về đến nhà, thấy phóng viên đợi ở cửa, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng thân mật chia sẻ về những “hành động nóng” gần đây.

 
“Tôi làm không phải đánh bóng tên tuổi”, “Những việc vừa qua ở Bộ Giao thông vận tải chưa là gì so với cách tôi đã làm ở Tập đoàn Dầu khí VN (PVN)” - Bộ trưởng khẳng định.
 
Bộ trưởng Đinh La Thăng nói: Trước khi về làm bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT), tôi đã nói sẽ vào cuộc luôn. Nay vào rồi, tôi vẫn nghĩ những việc mình làm là bình thường, đúng với tính cách và trách nhiệm của mình.

Không làm được thì để người khác làm

Vừa rồi ông quyết thay tổng chỉ huy tại công trường sân bay Đà Nẵng. Quyết định đó là bột phát hay do chịu sức ép của lãnh đạo Đà Nẵng?

- Đúng là lãnh đạo Đà Nẵng có bức xúc nhưng không phải do đó mà tôi quyết. Tôi về làm bộ trưởng đã nghe chuyện chậm tiến độ ở sân bay Đà Nẵng rồi. Tôi có giao hai thứ trưởng vào để tìm cách giải quyết và đã có giải pháp. Nhưng khi tôi vào thì nhận ra nếu không có đột phá thì không thể hoàn thành trong năm nay. Công trường mà công nhân tụm năm tụm ba ngồi chơi?

Tôi đã chỉ huy công trường nhiều, để xảy ra tình trạng đó chắc chắn có vấn đề. Không phải công nhân lười mà là do phân công, đốc thúc không tốt. Lúc họp chỉ có cấp phó các đơn vị, tôi đã yêu cầu tạm dừng, đề nghị cấp trưởng phải vào. Khi hỏi công trường có bao nhiêu người, chỉ huy nói có 350. Tôi hỏi tư vấn, họ bảo chỉ có 250. Nghĩa là ông chỉ huy không nắm được thực chất. Tôi nghĩ ngay phải thay tổng chỉ huy và tôi đã quyết thực hiện ngay.

Ông quyết định đình chỉ chức vụ một lãnh đạo công trường nhanh thế có lo sai quy trình và dễ bị kiện?

- Tôi không đình chỉ chức vụ ai cả. Tổng công ty Cảng hàng không miền Nam đang làm rất tốt các dự án sân bay như Cần Thơ, Liên Khương (Đà Lạt) nên tôi yêu cầu tổng giám đốc cử cho tôi một người làm được việc. Ông Đỗ Tất Bình được tiến cử, tôi yêu cầu ra ngay. Tôi thay tổng chỉ huy, nghĩa là cho ông Bình được toàn quyền quyết định các vấn đề để làm sao đảm bảo chất lượng và tiến độ dự án. Chỉ huy trưởng hiện tại không bị cách chức nhưng sẽ phải thực hiện mọi yêu cầu của ông Bình. Có thể ông Bình sẽ gặp khó khăn (trong việc điều hành) nên tôi khẳng định ngay: ông Bình được toàn quyền điều hành ở nhiệm vụ mới, có gì sai tôi chịu trách nhiệm chứ không phải ai khác. Tôi thấy mọi người đã yên tâm thực hiện.

Ông có nghĩ việc ông làm sẽ được cấp dưới đồn thổi, cho thành lớn chuyện?

- Tôi thấy việc trên là nhỏ, chưa là gì so với những việc tôi đã làm khi là chủ tịch PVN. Như hồi làm dự án khí điện đạm Cà Mau, tôi vào kiểm tra thấy tiến độ rất chậm, ban quản lý dự án nêu hết lý do này lý do khác. Trưởng ban xây dựng của tập đoàn đi cùng nói: “Tôi đã đưa nhiều giải pháp nhưng các anh ấy không thực hiện”. Tôi bảo thế thì phải thay. Mọi người cười vì tưởng tôi đùa. Bấm máy gọi tổng giám đốc tập đoàn đang ở nhà, tôi đề nghị ra quyết định nhân sự ngay, thủ tục làm sau. Cuối giờ họp hôm ấy, quyết định được fax vào. Lúc đó mấy anh chỉ huy mới ngã ngửa hỏi: “Sao anh lại cách chức em?”. Tôi nói thẳng: “Tôi cách chức các anh vì các anh giỏi quá: cái gì các anh cũng biết nhưng chả chịu ký cái gì cả”.
 
Sinh ra anh cán bộ để giải quyết khó khăn, mà anh không làm thì phải cho người khác làm. Lúc đó tôi điều ông trưởng ban xây dựng tập đoàn làm chỉ huy trưởng để thực hiện luôn chính những giải pháp ông nói. Ông ấy cũng lớn tuổi, lấy lý do từ chối, tôi khẳng định “khi nào làm xong ở đây thì anh hãy về tập đoàn”. Kết quả chỉ một tháng sau mọi việc thay đổi ngay.

Các dự án chậm tiến độ ở Bộ GTVT rất nhiều. Có khi nào ông chỉ đánh động ở Đà Nẵng rồi thôi?

- Tôi làm không phải để thể hiện. Thật ra gần hai tháng tôi làm bộ trưởng, không chỉ có việc sân bay Đà Nẵng mà tôi cũng làm tương tự ở một dự án đường tại Quảng Ninh. Đầu tư 130km đã xong, Bộ GTVT chỉ làm 10km mà đến nay chưa xong. Tôi rất bức xúc, nói với trưởng ban quản lý dự án rằng nhà thầu yếu, phải thay. Trưởng ban bảo một số thỏa thuận, quy định không thay được. Tôi khẳng định luôn nếu không thay nhà thầu thì tôi thay anh. Đạo lý ở đây là 130km đã xong, còn 10km bụi bặm, dân bức xúc thì phải tìm cách thông. Anh không thông được thì để tôi cho người khác thông... Tôi đã bắt làm cam kết cuối năm nay dự án đó phải xong.

Nếu thay người rồi mà các dự án vẫn không xong thì sao, thưa ông?

- Phải xong. Nếu không xong thì chính tôi sẽ vào chỉ huy công trường. Tôi cũng tính rồi, như sân bay Đà Nẵng khâu hoàn thiện chỉ cần đông người và tháo được các vướng mắc. Mấy anh ở đó nói thiếu thợ, phải chờ từ Hà Nội vào. Tôi nói ngay: “Anh đùa tôi đấy à, thợ Đà Nẵng cực giỏi về hoàn thiện, công trình Hà Nội nhiều khi còn phải mời”. Vấn đề là phải có sức ép, cán bộ quyết liệt, được lãnh đạo hậu thuẫn sẽ tháo gỡ được ngay.
 
Chống ùn tắc: cần người dân ủng hộ

Nhiều người dân đang mời ông “vi hành” trên xe buýt. Các nước có 4-5 loại phương tiện công cộng, VN chỉ trông vào xe buýt để chống ùn tắc liệu có đủ?

- Tôi đã đi xe buýt hai lần cùng con để khảo sát tình hình. Cơ bản đúng là còn một số tình trạng khiến người dân bức xúc. Ví như xe buýt bỏ điểm đỗ, tôi có hỏi lái xe, lương tháng của họ được khoảng 5 triệu đồng, nhưng một ngày phải đảm bảo đủ số chuyến, nếu không sẽ bị trừ lương. Nên nhiều lúc tắc đường họ phải tìm cách chạy nhanh bù lại. Hay chuyện xe bị nhồi lắc là đúng, do công nghệ xe của VN. Điều chắc chắn tôi sẽ tính tới là làm sao giải quyết được sức ép lên lái xe cũng như tăng chất lượng xe buýt. Hiện VN đang làm đường sắt trên cao, tàu điện ngầm. Tôi cũng nói phải giảm dần phương tiện cá nhân chứ không phải cấm. Ta làm từng bước, nhưng phải làm.
 
Nếu bộ trưởng quyết liệt trong giảm tai nạn giao thông, ùn tắc như vụ thay tướng ở sân bay Đà Nẵng thì tình hình sẽ khá hơn không?

- Việc này làm sẽ có ảnh hưởng đến người dân và phải xác định đây là vấn đề không đơn giản.

Chẳng hạn như việc phân làn gần đây ở Hà Nội: người ta cắm biển báo giữa đường, cách xa ngã tư, thế mà còn có anh đi xe đâm vào. Không hiểu anh ta đi kiểu gì, quan sát ra sao? Có báo phê phán ngay: sao lại... cắm cái biển giữa đường? Thế không cắm giữa đường thì cắm ở đâu? Cắm vào lề đường thì đi làm sao?

Ta cứ bảo tai nạn là do hạ tầng giao thông. Tất nhiên là có, nhưng có cái giải quyết được ngay, đó là ý thức giao thông. Đơn giản là đừng bấm còi hơi trong thành phố mà nhiều người vẫn không tuân thủ. Cách đây chưa lâu, báo chí đưa tin lái xe bấm còi hơi khiến cháu bé ngã xuống đường bị xe cán, tôi nghe mà đau xót. Cái đó đâu phải hạ tầng?

Rồi phóng nhanh, lạng lách. Các nước họ cũng không phải tất cả đều có đường sá thênh thang, nhưng khi tắc họ xếp hàng, bình tĩnh. Chúng ta đang làm hạ tầng, nhưng cũng cần đánh động để nâng cao ý thức giao thông. Chứ đường Sài Gòn - Trung Lương tốt nhất hiện nay nhưng tai nạn vẫn xảy ra. Rồi đèn đỏ mà cứ vượt, cố đi thì tất cả đều tắc. Ý thức không tốt lên thì rất khó!

Sợ đụng chạm thì làm được gì?

 
Ông làm quyết liệt thế có sợ cấp dưới họ chống?

- Tôi không sợ và chưa hề có ý nghĩ đó. Tôi quyết định cũng chỉ vì cái chung. Còn nếu sợ thì tôi đã không làm. Nếu ai đánh giá tôi làm thế là cho oai, thể hiện là bộ trưởng mới thì cứ đánh giá. Tôi không nghĩ mình muốn “thể hiện”, chỉ nghĩ mình đã phụ trách ngành thì cần làm quyết liệt theo cái cần thiết cho ngành, phải làm vì cái chung. Muốn mọi người vui vẻ cả thì đừng đụng chạm, nhưng như thế thì làm bộ trưởng làm gì? Nếu sợ, cứ lo giữ ghế, ngại người ta nghĩ mình “nổ” thì tôi sẽ chẳng dám làm gì.

Ông có thấy mệt mỏi và áp lực sau gần hai tháng trên cương vị bộ trưởng? Nhiều người còn nghĩ ông muốn củng cố ghế cho chắc qua việc thay nhân sự?

- Tôi không thấy mệt mỏi hay bất lực gì cả. Bản thân tôi cũng chưa bao giờ nghĩ làm bộ trưởng Bộ GTVT là dễ và nhàn cả. Nên việc chịu áp lực là đương nhiên.

Nói thật tôi chưa hề biết anh Đỗ Tất Bình trước khi điều anh ấy về làm sân bay Đà Nẵng, nhưng tôi tin vì qua thực tế anh ấy đã chỉ huy những công trình đảm bảo tiến độ và chất lượng.

Qua một thời gian ở Bộ GTVT, nhiều khi tôi còn nhận được tin nhắn mắng, bảo tôi thích thể hiện. Tôi không ngại mấy việc đó, vì làm sao bắt mọi người hiểu mình ngay được. Quan điểm của tôi là khi đã vào cuộc thì làm đến nơi đến chốn, nếu không thì thôi. Bất cứ một chính sách nào cũng có ý kiến ủng hộ và không ủng hộ. Có thể có nhiều ý kiến không đồng tình với tôi. Nhưng làm mà cứ nghĩ phải hài lòng tất cả mọi người thì không làm nổi.