Thế nhưng, đáng buồn là trong khi người chăn nuôi đang chịu thua lỗ nặng thì người tiêu dùng vẫn phải mua thịt với giá cao và “ngư ông đắc lợi” không ai khác là tiểu thương.
Dưới 20.000 đồng/kg thịt, tương đương chỉ bằng một cân khoai lang, có lẽ chưa bao giờ giá lợn hơi xuất chuồng lại lao dốc không phanh như thế. Đà giảm giá lợn hơi lần này được kéo dài suốt từ cuối năm 2016 cho tới nay, song nghịch lý là giá thịt bán lẻ tới tay người tiêu dùng giảm nhiệt khá chậm chạp. Nếu như ở các huyện ngoại thành hay vùng nông thôn khác, giá thịt bán ngoài chợ được cho là ở mức vừa phải từ 60.000 – 70.000 đồng/kg thì tại các chợ trong nội thành hay siêu thị, mức giá thịt bán ra vẫn còn khá đắt, từ 80.000 đến trên 100.000 đồng/kg tùy loại. Rõ ràng, trong khâu lưu thông, phân phối sản phẩm thịt lợn đang “có vấn đề” và thiếu sự kiểm soát.
Theo đơn giá tính toán của Sở NN&PTNT, phí thuê giết mổ mỗi con lợn chỉ khoảng 30.000 – 40.000 đồng, nghĩa là bình quân 300 – 400 đồng/kg. Do đó, đây không phải là nguyên nhân chính làm đội giá thịt lợn bán lẻ tới tay người tiêu dùng. Nhiều chuyên gia phân tích, chính sự “lũng đoạn” giá của các nhà bán lẻ, nhất là tiểu thương ngoài chợ đã khiến cho giá thực phẩm luôn ở mức cao. Trong số các khâu trung gian, đội ngũ tiểu thương lấy lợn từ lò mổ ra chợ bán được cho là khâu có lợi nhuận cao nhất, thậm chí tiền lãi thu về đạt tới một triệu đồng/con. Thế nhưng, hiện nay lại chưa có chế tài quản lý chặt chẽ giá bán lẻ dẫn tới người chăn nuôi thì thua lỗ mà người tiêu dùng vẫn phải chịu thiệt thòi khi mua thịt với giá cao ngất ngưởng.
Nhiều ý kiến cho rằng, ngoài giải pháp tổ chức lại sản xuất ngành chăn nuôi theo chuỗi giá trị, giảm bớt khâu trung gian, cần phải mạnh tay quản lý thị trường, nhất là giá bán lẻ hiện nay, tránh tình trạng thả nổi, buông lỏng. Trước hết, đối với các siêu thị, hệ thống cửa hàng phân phối thực phẩm, ngành công thương cần phải vào cuộc thanh, kiểm tra xem nhập số lượng thịt nhập về bao nhiêu, hóa đơn chứng từ, giá nhập cũng như giá bán lẻ để kiểm soát việc nâng giá bất hợp lý. Tương tự, đối với khâu bán lẻ ngoài chợ cũng cần phải có chế tài kiểm soát chặt chẽ, không thể để tình trạng tư thương “ăn hai mang”, vừa ép giá nông dân, vừa “móc túi” người tiêu dùng tồn tại suốt nhiều năm qua, không chỉ riêng với mặt hàng thịt lợn mà còn nhiều nông sản khác.