Đội giá... 82 lần
Vừa qua, Thanh tra Sở Công Thương Hà Nội công bố mức chênh lệch giữa giá nhập – xuất bán HĐC của Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Trường Giang Việt Nam từ 50 - 82 lần, trong khi DN này đã đi vào hoạt động được một năm. Cụ thể, sản phẩm TruongGiang Liver được nhập với giá 18.000 đồng, TruongGiang Calcium: 12.000 đồng, TruongGiang Calcium Kid: 12.000 đồng, TruongGiang Queen: 12.000 đồng, nhưng được bán cho người tham gia bán HĐC với giá 990.000 đồng (chưa có VAT).
Qua kiểm tra, Bộ Công Thương cho biết, Thiên Ngọc Minh Uy đã đăng ký kinh doanh 139 sản phẩm và bộ sản phẩm, trong đó có 37 thực phẩm chức năng, 77 mỹ phẩm, 8 sản phẩm may mặc, 17 sản phẩm kim khí điện máy. Các sản phẩm này ít được giới thiệu về nguồn gốc xuất xứ trên website, song trên vỏ hộp hầu hết đều có chữ Trung Quốc. Do vậy, việc giá bán sản phẩm trung bình cao gấp 3,6 lần giá vốn phần nào cho thấy chênh lệch giữa giá trị thực và mức giá mà người mua phải trả.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Tần (trú tại phường Dương Nội, quận Hà Đông, Hà Nội) phản ánh tới báo Kinh tế & Đô thị: Ông mua HĐC là hộp TPCN Thymozin của Công ty TNHH Nhượng quyền Thương mại Thăng Long. Mỗi hộp có 50 viên như viên thuốc nhưng có giá hơn 1 triệu đồng. Hay sản phẩm thiết bị lọc nước của DN này bán với giá hơn 8 triệu đồng, đắt hơn giá thị trường nhiều lần.
Đây cũng là tình trạng chung của hầu hết các DN bán HĐC, khi tự ý đưa ra giá bán cao hơn nhiều lần so với giá hàng nhập vào.
Bỏ ngỏ cơ quan quản lý
Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, đại diện Sở Công Thương Hà Nội cho biết, giá bán sản phẩm đa cấp là vấn đề thuận mua vừa bán, hiện chưa có cơ quan nào quản lý. Tuy nhiên, đây cũng là vấn đề cần được nghiên cứu, về lâu dài phải có cơ quan quản lý về giá các loại sản phẩm này.
Đại diện Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) cũng xác nhận, hiện không có cơ quan thẩm định giá sản phẩm đa cấp mà DN tự quyết định giá bán như các mặt hàng thông thường.
Theo luật sư Trương Thanh Đức - Chủ tịch Công ty Luật BASICO, Chủ nhiệm CLB Pháp chế ngân hàng, 18 hành vi bị cấm theo Nghị định 42/2014/NĐ-CP về quản lý hoạt động bán HĐC là quá nhiều, quá đủ rồi, vấn đề hiện nay là do mọi thứ nhập nhèm, yếu kém trong quản lý. Một trong những cơ chế hay nhất chống việc lợi dụng trong bán HĐC là được trả lại hàng đã mua với giá không thấp hơn 90%. Còn giá cả mua bán HĐC là vấn đề của thị trường, pháp luật không thể can thiệp. Mức chênh lệch giữa giá nhập – xuất bán hàng là một hay 1.000 lần đều hợp pháp như nhau, vì pháp luật không ngăn cấm.
“Đừng bao giờ đổ lỗi cho người dân tham lam, kém hiểu biết, dễ bị lừa. Sở dĩ người dân bị lừa là do thủ đoạn lừa đảo trắng trợn, nhưng vì cơ quan quản lý bỏ mặc nên chỉ khi hậu quả khủng khiếp rồi, người dân tố cáo quá nhiều, mới bắt đầu xem xét. Làm thế nào để cơ quan quản lý cấp phép xong thì phải bảo đảm không bị lợi dụng, Nhà nước không tiếp tay cho lừa đảo bằng giấy phép. Nếu không quản lý được thì cơ quan quản lý đừng cấp phép, nếu đã cấp phép rồi thì phải xử lý và thu hồi đúng lúc” - ông Đức đề xuất.
Mới đây, Sở Công Thương Hà Nội đã có văn bản đề nghị Cục Quản lý cạnh tranh dừng cấp phép mới giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán HĐC để thực hiện rà soát, đánh giá việc thực hiện quy định của DN đang hoạt động.
Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Trường Giang Việt Nam bán sản phẩm cho người tham gia bán hàng đa cấp với giá chênh từ 50 - 82 lần.
|
Để giúp người dân tránh bị dụ dỗ, lôi kéo tham gia vào các hoạt động bán HĐC bất chính, lợi dụng mô hình kinh doanh theo phương thức đa cấp để lừa đảo, trục lợi, Sở Công Thương Hà Nội đã đưa ra một số dấu hiệu vi phạm trong lĩnh vực này, đề nghị Bí thư, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã của TP tuyên truyền đến người dân. Đáng lưu ý, hoạt động thanh, kiểm tra giám sát hoạt động bán HĐC trên địa bàn Hà Nội trong suốt năm 2015 và quý I/2016 cho thấy, 100% các công ty có vi phạm hành chính, nhiều công ty có dấu hiệu lừa đảo. |