Lo nét thanh lịch Tràng An mai một

Nhà văn Nguyễn Việt Chiến
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nếp sống văn hóa nho nhã, thanh lịch, của người Tràng An ngàn xưa vốn được coi là giá trị văn hóa truyền thống, giá trị văn hóa gốc của người kinh kỳ Thăng Long trước kia và cả của người Hà Nội thời nay.

Trong quá trình hội nhập với thế giới trong xu thế toàn cầu hóa, Thủ đô Hà Nội những thập niên đầu thế kỷ XXI đang vươn mình để trở thành một đô thị hiện đại và văn minh. Nhưng có một thực trạng mà nhiều người dân Hà Nội đã mục sở thị là đời sống đô thị công nghiệp hiện đại phát triển thời mở cửa đã kéo theo những thói quen sống gấp, thực dụng, xô bồ, buông thả, thiếu lịch lãm tối thiểu đang diễn ra nhiều nơi, nhiều lúc ở các không gian công cộng kể cả trong những không gian văn hóa. Và, những hệ lụy ấy tưởng chừng đã làm mai một ít nhiều nét đẹp thanh lịch của văn hóa của người Tràng An ngày xưa.
 Khách hàng mua cúc Họa mi trên phố Hà Nội. Ảnh: Cao Tuấn
Trong hơn một năm qua, vào những ngày cuối tuần, tuyến phố đi bộ ven Hồ Gươm đã trở thành một không gian Phong cảnh - Văn hóa - Thư giãn khá thú vị, thanh lịch, thu hút nhiều người dân nội đô và thế hệ trẻ đến dạo mát, vui chơi sau một tuần bộn bề công việc, đặc biệt là vào dịp những ngày lễ lớn.
Thật đáng tiếc, khi báo chí đưa lên hình ảnh chỉ sau một đêm xem bắn pháo hoa bên Hồ Gươm, nhiều người trong đó có không ít bạn trẻ đã giẫm nát cả một thảm hoa tươi đẹp phục vụ lễ hội.
Mặc cho báo chí và truyền hình lên tiếng phản ánh phê phán, tiếp theo, vào đêm ba mươi Tết giao thừa chỉ sau đó mấy tháng, mấy thảm hoa ven Hồ Gươm lại bị hàng trăm người hồn nhiên tới hái lộc, hái hoa xới tung lên đến tan nát kỳ dị. Dư luận xã hội đã phản ứng khá gay gắt đối với những hành vi thiếu văn hóa như vậy nhưng dường như mọi chuyện lại thấm thoắt qua đi và rơi vào lãng quên.
Còn bây giờ, chuyện “nóng” ở phố đi bộ ven Hồ Gươm lại là chuyện người dân tung tăng dắt chó nhà đi dạo chơi, đi tụ tập hội chơi chó cảnh. Vậy là các loại chó to, chó nhỏ, chó xù, chó trụi, chó xồm, chó lai… không hề có rọ mõm, chạy tứ tung ngửi chân khách bộ hành, rồi phóng uế bừa bãi vào các bờ cây, bụi cỏ ven hồ.
Ở một góc nhìn khác, sự huyên náo, xáo động ầm ĩ ở chốn công cộng đông người cũng khiến vẻ đẹp thanh bình, yên ả ven Hồ Gươm trở nên ngày một pha tạp, xô bồ khi lẽ ra các chương trình biểu diễn ca nhạc ở đây phải trở thành một bữa tiệc âm thanh để người nghe được thưởng thức sự lãng mạn của âm nhạc lại trở thành nơi tụ tập, hú hét kích động hết mình của một số nhóm hát, nhóm múa của các bạn trẻ.
Tuổi trẻ phải hồn nhiên, sôi động để trình diễn những cá tính của thế hệ mình nhưng khi các thể nghiệm trở nên thái quá, phải chăng cũng làm mất đi nét đẹp nền nã, thanh lịch vốn là vẻ chủ đạo của không gian văn hóa Tràng An ở những nơi công cộng.
Sự xô bồ, náo động này còn thể hiện khá rõ nét ở các tụ điểm ăn uống trong nội đô khi không ít người thay vì cách thưởng thức văn hóa ẩm thực một cách tinh tế, nhẹ nhàng, họ lại xúm vào hò hét “Dô, vô, zô” với những ly rượu, những vại bia tưng bừng như một cách chơi trội rất hào hứng.
Vẻ đẹp lịch lãm của văn hóa ẩm thực với người Tràng An xưa đã dần mất trong không gian không ít quán ăn, quán nhậu trên đất Hà Thành hôm nay khi các thực khách biến các quán ăn thành nơi tụ tập huyên náo sôi động.
Ở nội đô Hà Nội những tháng năm này, ngoài sự ô nhiễm môi trường trầm trọng vì khói xăng, khói bụi trên mọi nẻo đường thì sự ô nhiễm về mặt âm thanh cũng đáng báo động khi không ít thanh niên cưỡi xe máy phân khối lớn phóng tung giời, rồ ga, nẹt bô như nã súng liên thanh vào không gian đã gây ức chế, bức xúc cho nhiều người cùng tham gia giao thông. Đấy là chưa kể đến những cuộc tụ tập ngang nhiên đua xe trái phép của giới trẻ gây náo loạn đường phố về ban đêm ở một số khu vực.
Từ những thực tế nêu trên một câu hỏi được đặt ra, phải chăng nét đẹp văn hóa thanh lịch, tinh tế vốn được coi là văn hóa gốc truyền thống của người Tràng An- Hà Nội xưa đang dần mai một trong đời sống đô thị thời công nghiệp hôm nay?
Và, bằng cách nào để giữ lại, khôi phục, truyền bá lại những nét đẹp văn hóa truyền thống ấy và thanh loại những ảnh hưởng xấu của nếp sống thực dụng hôm nay đang đặt ra trách nhiệm giáo dục không những của cộng đồng mà còn là trách nhiệm của mỗi người dân sống ở Thủ đô ngàn năm văn hiến những tháng năm này.