Cũng giống như các cơ quan an ninh Mỹ, giới chức an ninh Australia lo ngại rằng Huawei có thể có quan hệ mật thiết với Chính phủ Trung Quốc và mối quan hệ này sẽ đặt ra khả năng thiết bị mạng của Huawei được sử dụng cho hoạt động nghe lén.
Các nhà cung cấp "có thể là đối tượng chỉ đạo của một chính phủ nước ngoài" sẽ khiến hệ thống mạng của Australia bị đặt vào tình thế rủi ro trước sự truy cập hoặc can thiệp bất hợp pháp - tuyên bố của Chính phủ Australia ngày 23/8 cho biết.
Tuyên bố này không nêu đích danh Huawei, nhưng một quan chức Chính phủ Australia đề nghị giấu tên nói rằng lệnh cấm này nhằm vào Huawei và chấm dứt sự tham gia của Huawei vào chương trình phát triển mạng 5G của Canberra.
Huawei hiện cũng bị Mỹ đặt nghi vấn về mối liên hệ với Bắc Kinh dù tập đoàn này luôn bác bỏ các cáo buộc.
Chi nhánh của Huawei tại Australia một mực phủ nhận nghi vấn cho rằng công ty này chịu sự điều khiển của Chính phủ Trung Quốc. Trong một dòng trạng thái trên mạng xã hội Twitter, Huawei Australia ngày 23/8 nói rằng động thái của Chính phủ Australia là "một kết quả vô cùng đáng thất vọng đối với người tiêu dùng".
Cùng ngày, phản ứng sau lệnh cấm với Huawei, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng cho biết nước này bày tỏ "sự quan ngại sâu sắc" với quyết định của Chính phủ Australia, đồng thời nói rằng Canberra không nên lấy lý do an ninh để tạo ra rào cản thương mại.
"Chúng tôi kêu gọi chính phủ Australia từ bỏ định kiến về chính trị và tạo một môi trường cạnh tranh công bằng cho các hoạt động kinh doanh của các công ty Trung Quốc tại nước này", ông Lục Khảng phát biểu tại cuộc họp báo ngày 23/8.
Huawei hiện là nhà sản xuất thiết bị mạng viễn thông lớn nhất thế giới, đồng thời là nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn thứ 3 thế giới.
Trước khi Australia ban lệnh cấm, Huawei đã đề xuất cung cấp cho Canberra nhiều thiết bị mạng 5G, gồm các trạm phát, tháp 5G, và thiết bị truyền dẫn radio.