KTĐT - Đại biểu Nguyễn Trung Nhân cho rằng, thời gian qua thị trường viễn thông bị “loạn” do các doanh nghiệp thi nhau khuyến mãi.
Thị trường loạn, khuyến mãi ồ ạt, người tiêu dùng khiếu nại không được giải quyết. Tại phiên thảo luận về Luật Viễn thông chiều 24/10, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung chế tài xử phạt các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chất lượng kém.
Đại biểu Nguyễn Trung Nhân cho rằng, thời gian qua thị trường viễn thông bị “loạn” do các doanh nghiệp thi nhau khuyến mãi. Việc nhân đôi, thậm chí là nhân ba giá trị thẻ nạp khiến thuê bao di động phát triển mạnh, nhưng không thực chất. “Người tiêu dùng còn phàn nàn nhiều về chất lượng, nghẽn mạch, rớt sóng xảy ra. Thiệt hại cho khách hàng là thấy rõ nhưng chưa có đơn vị nào đứng ra làm nhiệm vụ giám sát doanh nghiệp, bảo vệ người tiêu dùng. Tôi đề nghị cần bổ sung thêm các chế tài xử phạt vào Luật”, ông Nhân nói.
Đại biểu Hứa Chu Khem cũng cho rằng: Doanh nghiệp viễn thông chưa thực sự thành thật với khách hàng, chất lượng dịch vụ còn kém, tin nhắn rác tràn lan, trò chơi trúng thưởng nở rộ, người tiêu dùng than phiền nhiều nhưng chưa được giải quyết.
Ông dẫn chứng: “Có lần tôi kiểm tra các cuộc gọi di động. Số máy kia đang bận, nhưng gọi đến thì tổng đài báo: thuê bao hiện không liên lạc được, hoặc tắt máy. Như vậy rõ ràng là nhà mạng chưa thành thật với khách hàng”.
Theo ông Luật Viễn thông cần quy định rõ cơ quan nào giám sát chất lượng, đo kiểm, giải quyết khiếu nại cho người tiêu dùng, đồng thời có chế tài xử phạt rõ ràng đối với các doanh nghiệp vi phạm.
Các đại biểu cũng đồng tình trường hợp cung cấp dịch vụ viễn thông không đúng thời gian và chất lượng theo hợp đồng đã giao kết với người sử dụng, doanh nghiệp phải hoàn trả cho người sử dụng một phần hoặc toàn bộ cước đã thu.
Đại biểu Trần Du Lịch, Đoàn TP HCM bổ sung thêm Luật cần xét lại các quy định về việc cung cấp các dịch vụ viễn thông tại các tòa nhà khu chung cư. Tại những nơi này, người tiêu dùng hầu như không có sự lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ mà gần như bị áp đặt. “Doanh nghiệp nào kéo được cáp vào là độc quyền cung cấp dịch vụ cho cả khu chung cư, như vậy là không ổn. Tôi đề nghị Luật cần quy định rõ điều này”, ông nói.
Tại phiên thảo luận chiều 24/10, các vấn đề được các đại biểu Quốc hội quan tâm, gồm các vi phạm về cạnh tranh, dùng chung hạ tầng và quản lý tài nguyên số. Đa số các đại biểu đều cho rằng việc phát triển và quản lý hạ tầng viễn thông còn bộc lộ nhiều điểm bất cập, tranh chấp xảy ra gây bức xúc cho xã hội. Nhiều doanh nghiệp cung cấp dịch vụ ra đời trong khi cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng kịp, cột điện trở thành nơi “trú ngụ” cáp viễn thông, làm mất mỹ quan đô thị...