Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lo ngại chiến tranh thương mại, nhiều doanh nghiệp Nhật rời bỏ thị trường Trung Quốc

Nguyễn Thu (Theo Nikkei)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một số doanh nghiệp lớn Nhật Bản có kế hoạch rút khỏi thị trường Trung Quốc nhằm hạn chế thiệt hại kinh tế do vòng xoáy thuế quan Washington- Bắc Kinh chưa có dấu hiệu dừng lại.

Với sự leo thang của chiến tranh thương mại Trung - Mỹ, các doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là các công ty Nhật Bản hiện đang đua nhau rút khỏi thị trường Trung Quốc Á để tránh bị thiệt hại nặng nề.
Ngày 23/8, cả Mỹ và Trung Quốc đều áp thuế mới 25% lên hàng hóa của nhau trị giá 16 tỷ USD. Mức thuế của Mỹ lần này sẽ đánh vào 279 mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, trong đó có chất bán dẫn, chất hóa học, nhựa, môtô và xe máy điện.
Hồi đầu tháng 7, Trung Quốc và Mỹ đã nâng thuế 25% lên hàng hóa trị giá 34 tỷ USD của mỗi bên.
 Một số doanh nghiệp Nhật rời bỏ thị trường Trung Quốc do cuộc chiến thuế quan với Mỹ. Ảnh: BBC
Ngoài ra, chính quyền Mỹ có kế hoạch tăng thuế quan lên hàng hóa Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD, điều này tiếp tục thúc đẩy các doanh nghiệp nước ngoài rút khỏi thị trường Trung Quốc.
Để tránh thiệt hại từ gói thuế quan mới của Mỹ, tập đoàn Asahi Kasei của Nhật Bản có kế hoạch chuyển nhà máy sản xuất từ Trung Quốc quay về Nhật Bản. Công ty này chuyên cung cấp vật liệu để sản xuất các bánh răng xe ô tô và các linh kiện khác cũng sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp từ gói thuế mới mà Mỹ vừa chính thức áp hôm 23/8.
Công ty Asahi dự định thực hiện việc di dời nhà máy tại Trung Quốc trong vòng 1 tháng.
Theo báo cáo của Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản, doanh thu của các doanh nghiệp Nhật Bản có nhà máy sản xuất ở nước ngoài tham gia chuỗi cung ứng cho nước thứ ba lên tới 218 tỷ USD, trong đó riêng  tại thị trường Trung Quốc đạt 26 tỷ USD.
Không chỉ tập đoàn Asahi, công ty Komatsu cũng dự định chuyển các nhà máy sản xuất sang Mỹ, Nhật Bản và Mexico. Những nhà máy này hiện đang hoạt động tại thị trường Trung Quốc chuyên cung cấp các linh kiện chính của máy xúc thủy lực được lắp ráp tại Mỹ. Ước tính, chi phí chuyển đổi nhà máy sẽ khiến Komatsu thiệt hại khoảng 4 tỷ yen Nhật (tương đương 36 triệu USD) trong 1 năm.
Bên cạnh đó, trong năm 2019, công ty Iris Ohyama dự định chuyển nhà máy sản xuất máy lọc không khí, quạt điện và các thiết bị khác cho thị trường Mỹ sang sản xuất tại Hàn Quốc. Theo lãnh đạo công ty, mặc dù những sản phẩm này không nằm trong danh sách mặt hàng chính thức bị áp thuế hoặc trong kế hoạch thuế quan mới, nhưng Iris Ohyama vẫn có biện pháp phòng ngừa.
Để giải bài toán thuế quan do cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang leo thang, các công ty Asahi, Komatsu và Iris Ohyama cho biết họ chỉ đủ khả năng chuyển đổi các chuỗi cung ứng hiện tại từ Trung Quốc sang các nước khác. Theo các doanh nghiệp này, chi phí để đầu tư mới khá tốn kém, với khoản kinh phí để lập kế hoạch đầu tư chi tiết cho một nhà máy ô tô mới đã lên tới khoảng 100 tỷ yen.