Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lo ngại Fed trì hoãn hạ lãi suất, chứng khoán Mỹ lao dốc không phanh

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ giảm mạnh trong phiên ngày 2/4 khi nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu do lo ngại khả năng Fed sẽ trì hoãn nới lỏng chính sách tiền tệ trong tháng 6 tới.

Chứng khoán Mỹ giảm mạnh trong phiên 2/4. Ảnh: Nyctourism.com
Chứng khoán Mỹ giảm mạnh trong phiên 2/4. Ảnh: Nyctourism.com

Chốt phiên giao dịch, chỉ số Dow Jones sụt 396,61 điểm (tương đương 1%) xuống 39.170,24 điểm. Chỉ số này có thời điểm trong phiên đã lao dốc hơn 500 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,72% về mức 5.205,81 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite cũng mất 0,95% xuống 16.240,45 điểm. Với mức giảm như trên, đây là phiên giảm mạnh nhất của Dow Jones và S&P 500 kể từ ngày 5/3.

Sau đà khởi sắc trong quý 1, chứng khoán Mỹ đang có sự khởi đầu kém thuận lợi cho quý 2. Theo số liệu công bố vào tuần trước, lạm phát còn dai dẳng ở mức cao hơn đáng kể so với mục tiêu là nhân tố đẩy lãi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng cao hơn và giảm khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu giảm lãi suất vào tháng 6. Biến động của lãi suất trái phiếu Mỹ và lo ngại về lãi suất gây áp lực đối với giá cổ phiếu trong phiên giao dịch ngày 2/4.

Trong phiên này, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng lên mức cao nhất kể từ cuối tháng 11/2023.

Giám đốc điều hành Greg Bassuk của công ty AXS Investments nhận định với đài CNBC: “Thị trường Phố Wall đang chịu sức ép từ số liệu lạm phát vẫn nóng và nhu cầu hiện thực hóa lợi nhuận của nhà đầu tư. Với “mức tăng trưởng đáng kể trong quý 1, thị trường sẽ phải điều chỉnh một chút. Mối quan tâm của nhà đầu tư sẽ là lãi suất duy trì ở mức cao hơn trong thời gian lâu hơn”.

Trong khi đó, chuyên gia Sarat Sethi của công ty Douglas C. Lane & Associates nói rằng ông không cảm thấy bất ngờ với đợt bán tháo và gọi đó là “sự điều chỉnh tự nhiên” sau khi cổ phiếu tăng giá nhanh chóng.

Dẫn đầu phiên giảm điểm trong ngày thứ Ba là các cổ phiếu công nghệ. Cụ thể, cổ phiếu Tesla giảm 4,9% sau khi hãng xe điện công bố số lượng xe được giao trong quý 1 gây thất vọng. Cổ phiếu Nvidia, Alphabet và Microsoft cũng đồng loạt đi xuống khi đóng cửa phiên giao dịch.

Chỉ số Dow Jone và S&P 500 đã lao dốc trong phiên đầu tuần sau khi dữ liệu sản xuất mạnh hơn dự kiến làm gia tăng lo ngại rằng Fed khó có thể thực hiện 3 đợt cắt giảm lãi suất như kế hoạch được thông báo tại cuộc họp chính sách vừa qua.

Chỉ số S&P 500 tăng 10% trong quý 1 và ghi nhận quý đầu năm tăng mạnh nhất kể từ năm 2019. Lực đẩy quan trọng trong 3 tháng đầu năm là nhờ kỳ vọng Fed sẽ sớm cắt giảm lãi suất ngay cả khi nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng. Chỉ số Nasdaq Composite cũng leo dốc 9% trong quý 1 nhờ “cơn sốt” trí tuệ nhân tạo (AI) mà cổ phiếu hãng chip Nvidia chính là tâm điểm.

Các số liệu mới nhất đều cho thấy nền kinh tế Mỹ đang tăng trưởng mạnh và lạm phát giảm chậm. Chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) lõi trong tháng 2 tăng 2,8% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn 0,8% so với mục tiêu lạm phát 2% của Fed. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất trong tháng 3 do Viện Quản lý nguồn cung (ISM) công bố đầu tuần này cho thấy lĩnh vực sản xuất đã tăng trưởng trở lại lần đầu tiên kể từ tháng 9/2022.

"Chỉ số PCE vẫn nóng, còn chỉ số PMI cao hơn dự báo cho thấy khả năng phục hồi của nền kinh tế Mỹ, nhưng thị trường đang đón nhận theo cách tiêu cực, vì điều đó làm giảm hy vọng cắt giảm lãi suất vào tháng 6/2024 từ Fed” - chiến lược gia Brian Nick tại Viện Macro cho hay.

Phát biểu hôm 2/4, Chủ tịch Fed tại San Francisco Mary Daly và Chủ tịch Fed tại Cleveland Loretta Mester đều dự báo Fed sẽ giảm lãi suất trong năm nay nhưng cho rằng việc bắt đầu sẽ không sớm diễn ra.

Trên thị trường lãi suất tương lai, các nhà giao dịch đang đặt cược khả năng 63% Fed bắt đầu giảm lãi suất vào tháng 6, từ mức khoảng 70% vào tuần trước, theo công cụ FedWatch Tool của sàn CME.