Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lo ngại làn sóng mất thanh khoản

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Vụ việc cơ quan công an khởi tố và bắt tạm giam 2 lãnh đạo cao nhất của Công ty chứng khoán (CTCK) Doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) khiến thị trường chứng khoán không khỏi bất ngờ dù trước đó nhiều người đã dự đoán trước số phận bi đát của công ty này.

Nguy cơ đổ vỡ đã được báo trước

Hai ông Phan Huy Chí, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc CTCK SME và ông Phạm Minh Tuấn, Phó Chủ tịch HĐQT SME bị bắt để điều tra về tội danh "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" liên quan đến khoản tiền đầu tư hơn 100 tỷ đồng của CTCP Bảo hiểm dầu khí Việt Nam (PVI). Theo thông tin từ cơ quan điều tra, SME đã không cung cấp thông tin chính xác về hợp đồng và giao dịch của NĐT, mất khả năng thanh toán khoản nợ cho PVI và số tiền công ty này còn nợ đến nay là 57 tỷ đồng.

Ông Phan Huy Chí đã ký ủy quyền cho người khác đứng ra đảm nhiệm việc điều hành các hoạt động của CTCK SME trong thời gian chờ cơ quan điều tra làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân liên quan đến vụ việc.     Ủy ban chứng khoán (UBCK) vẫn duy trì giấy phép hoạt động của SME và tư cách pháp lý của công ty để thực hiện trách nhiệm với các chủ nợ, đối tác đã có rút hoạt động môi giới của công ty này từ ngày 2/8/2012.

Được biết, sau khi ông Phan Huy Chí bị bắt tạm giam, nhiều chủ nợ của SME đứng trước nguy cơ không thu hồi được nợ. Vụ việc đang được điều tra mở rộng, ngoài PVI còn có nhiều tổ chức tài chính khác có liên quan với số tiền lên tới vài trăm tỷ đồng, trong đó lớn hơn cả thuộc về Công ty CP Đầu tư tài chính Công đoàn Dầu khí Việt Nam (PVFI).

Cháy nhà ra… lỗ hổng lớn trong quản lý

Nhìn lại vụ việc này, nhiều ý kiến cho rằng, lãnh đạo của SME không có dấu hiệu cố ý lừa đảo và trục lợi khi số tiền họ có được qua các hợp đồng chủ yếu để trả nợ "gối đầu". Tuy nhiên, câu chuyện rất lớn hiện nay là quy trình quản lý dòng tiền của các CTCK, quản lý tiền của NĐT và cả các tổ chức kinh tế quá lỏng lẻo dẫn đến vay mượn tràn lan và tác động dây chuyền. Đơn cử tại SME, ngoài cung cấp đòn bẩy tài chính lớn cho khách hàng, SME còn được biết đến là công ty  sử dụng đòn bẩy tài chính tham gia tự doanh lớn, tỷ trọng đầu tư cho các dự án thể hiện ở danh mục rất nhiều cổ phiếu ngoài sàn giao dịch chứng khoán (OTC). Sự tụt dốc của TTCK và khó khăn của nền kinh tế khiến kế hoạch hiện thực hoá các khoản đầu tư của SME tan thành mây khói, trong danh mục có những tài sản mất thanh khoản, nhiều khách hàng lớn bỏ cổ phiếu chạy lấy người. Vốn chủ sở hữu đến cuối quý III/2011 của công ty này còn 203,5 tỷ đồng, trong khi các khoản phải thu ngắn hạn của SME gần 667 tỷ đồng. Do đầu tư lớn, mất vốn, tài khoản tiền mặt của khách hàng đã bị SME chiếm dụng, thậm chí, công ty chiếm dụng cả tiền bán vốn Nhà nước của Tổng Công ty Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC). Việc "lấy chỗ nọ đập chỗ kia", không theo quy trình kiểm soát rủi ro càng khiến SME lâm vào tình trạng mất thanh khoản, bên cạnh đó chứng khoán tiếp tục giảm giá, cổ phiếu OTC mất thanh khoản đã khiến SME không còn đường thoát, rơi vào tình trạng vỡ nợ.

Nhìn rộng trên thị trường không chỉ có SME, nhiều CTCK khác cũng đang lâm vào tình cảnh tương tự khi nợ nần, mất vốn chủ sở hữu trong đó có những công ty đang ở diện kiểm soát đặc biệt như CTCK Cao su, CTCK Sacombank (SBS)…

Chứng khoán đang có một vài phiên tăng điểm nhưng chưa tạo thành xu hướng khởi sắc trở lại, thanh khoản trên thị trường cũng rất yếu thể hiện tâm lý mong manh của NĐT. Những vụ việc khởi tố, bắt tạm giam lãnh đạo CTCK như SME mà trước đó là nguyên Tổng Giám đốc CTCK Ngân hàng Công Thương, bà Phạm Thị Tuyết Mai bị khởi tố, nguyên Chủ tịch HĐQT CTCK Hà Thành, ông Trương Duy Sơn bỏ trốn với hàng trăm tỷ đồng nợ nần, rồi đến nguyên Tổng giám đốc CTCK Liên Việt, ông Hoàng Xuân Quyến cũng bị khởi tố, chủ yếu vì những tội danh có liên quan đến lừa đảo, gây thất thoát hoặc chiếm đoạt tài sản…  Trước mỗi vụ việc như thế, NĐT thường đặt câu hỏi, ai sẽ bảo vệ tiền và chứng khoán cho họ trong những trường hợp có sự cố xảy ra, thị trường vốn đã "ốm yếu" lại càng trở nên dễ đổ vỡ. Đưa ra những thông tin chính thống về sức khỏe CTCK và những công ty có dấu hiệu "ốm yếu" để NĐT chủ động ứng phó có lẽ là điều các thành viên thị trường mong mỏi nhất từ phía UBCK thời điểm này, tránh trường hợp cả thị trường lại chao đảo và bất ngờ mỗi khi một "khối u" bung vỡ.

Tình hình tài chính của SME gặp khó khăn từ quý III/2011, trong quý này, Công ty đã lỗ 6 tỷ đồng và lỗ lũy kế gần 23 tỷ đồng. Đến thời điểm hiện tại, đây là văn bản mới nhất có thể tìm thấy về thực trạng tài chính của SME. Theo báo cáo này, SME có khoản phải thu ngắn hạn là 565 tỷ đồng và khoản phải trả ngắn hạn là 579 tỷ đồng. Trước đó, trong phần bổ sung thuyết minh chi tiết theo yêu cầu của UBCK mà SME đã công bố, thời điểm 30/6/2011, Công ty ghi nhận 62 tỷ đồng phải trả cho PVFI; cổ phần đầu tư FPT 59 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Bảo Việt 88,5 tỷ đồng; HDBank 250 tỷ đồng.