Lo ngại quan điểm “diều hâu” của FED, chứng khoán Mỹ chốt tuần giảm mạnh

Nguyễn Thu (Theo CNBC)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chỉ số Dow Jones chứng kiến tuần giao dịch tồi tệ nhất kể từ tháng 10/2020, khi nhà đầu tư lo ngại FED có thể bắt đầu tăng lãi suất sớm hơn dự kiến.

Các chỉ số chính trên sàn Phố Wall tiếp tục giảm mạnh trong phiên giao dịch ngày 18/6 do giới đầu tư bán tháo cổ phiếu khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) bất ngờ đưa ra thông điệp cứng rắn trong chính sách tiền tệ.
Chứng khoán Mỹ ghi nhận tuần giảm mạnh nhất kể từ tháng 10/2020. Ảnh: CNBC
Chốt phiên giao dịch này, chỉ số Dow Jones “bốc hơi” 533,37 điểm, tương đương 1,6%, xuống còn 33.290,08 điểm. Chỉ số S&P 500 cũng hạ 1,3% về mức 4.166,45 điểm. Cả Dow Jones và S&P 500 đều chạm mức thấp nhất trong phiên ở những phút giao dịch cuối cùng và đóng cửa quanh mức này. Chỉ số Nasdaq Composite sụt 0,9% còn 14.030,38 điểm.
Trong phiên giao dịch ngày thứ 6, các cổ phiếu vốn nhạy cảm với tái mở cửa kinh tế dẫn đầu đà lao dốc trên sàn Phố Wall.
Tính chung trong tuần, chỉ số Dow Jones giảm 3,5%. Trong khi đó, S&P 500 và Nasdaq Composite lần lượt mất 1,9% và 0,2% từ đầu tuần đến nay.
Kết thúc cuộc họp chính sách kéo dài từ ngày 15 - 16/6, các quan chức FED cho biết, có thể sẽ có hai lần tăng lãi suất vào năm 2023, sớm hơn khoảng một năm so với kế hoạch đưa ra hồi tháng 3. Ngoài ra, FED cũng nâng dự báo lạm phát năm nay từ 2,4% lên 3,4%.
Tuy nhiên, Chủ tịch FED khu vực St. Louis, Jim Bullard, nói với hãng tin CNBC hôm 18/6 rằng việc FED chuyển sang quan điểm “diều hâu” hơn (muốn thắt chặt chính sách tiền tệ) trong tuần này là bình thường. Ông Bullard tiết lộ thêm rằng đợt nâng lãi suất đầu tiên của FED có thể diễn ra vào năm 2022.
“Nhà đầu tư lo ngại rằng nếu FED thắt chặt chính sách sớm hơn dự kiến để giúp hạ nhiệt áp lực lạm phát, điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế tương lai”, Giám đốc chiến lược thị trường Keith Lerner của Truist Advisory Services lưu ý. Chuyên gia Lerner cũng nói rằng hiện còn quá sớm để từ bỏ giao dịch giá trị.
Những cổ phiếu liên quan đến sự phục hồi kinh tế đã dẫn đầu làn sóng bán tháo trên thị trường trong tuần này. Lĩnh vực năng lượng và công nghiệp thuộc S&P 500 lần lượt lao dốc 5,2% và 3,8% trong tuần qua. Trong khi, lĩnh vực tài chính và nguyên vật liệu cũng giảm hơn 6%.
Các chỉ số chính trên sàn Phố Wall giảm điểm khi những động thái của FED gây bằng phẳng hóa đường cong lợi suất trái phiếu. Điều này có nghĩa là lợi suất trái phiếu kỳ hạn ngắn, như kỳ hạn 2 năm, tăng trong khi lợi suất trái phiếu kỳ hạn dài hơn như kỳ hạn 10 năm lại giảm.
Lợi suất trái phiếu kỳ hạn dài đi xuống cho thấy sự kém lạc quan về tăng trưởng kinh tế. Trong khi đó, đà tăng của lợi suất trái phiếu kỳ hạn ngắn báo hiệu kỳ vọng FED nâng lãi suất.
Chủ tịch FED Jerome Powell hôm 16/6 cho biết, các quan chức đã thảo luận về việc thu hẹp chương trình mua trái phiếu và có thể sẽ bắt đầu làm chậm chương trình mua tài sản trong tương lai.
Các chiến lược gia của MRB Partners nhận xét: “Việc FED lần đầu tiên đưa ra thông điệp cứng rắn là một lời nhắc nhở rằng việc nới lỏng chính sách tiền tệ và thu mua tài sản của ngân hàng trung ương nhằm hỗ trợ kinh tế Mỹ phục hồi sẽ kết thúc”.
Trong khi đó, giá hàng hóa đã chịu sức ép trong tuần này khi Trung Quốc cố gắng hạ nhiệt đà tăng giá và khi đồng USD mạnh hơn. Giá đồng, vàng và bạch kim tiếp tục giảm trong ngày thứ Sáu./.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần