Thị trường năng lượng chịu áp lực giảm giá trong phiên giao dịch khi nỗi lo Mỹ và Trung Quốc có thể phải trì hoãn ký thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 lấn át tác động tích cực từ việc sụt giảm lượng dầu dự trữ của Mỹ.
Một quan chức của Nhà Trắng nói với hãng tin Reuters hôm 29/10 rằng Washington và Bắc Kinh đang tiếp tục thực hiện một thỏa thuận thương mại tạm thời, nhưng nó có thể không được hoàn thành kịp thời để các nhà lãnh đạo hai nước ký kết tại Chile vào tháng tới.
Cụ thể, giá dầu Brent giảm 7 xu Mỹ, tương đương 0,1%, xuống còn 61,52 USD/thùng. Trong phiên giao dịch ngày 30/10, giá mặt hàng dầu này có thời điểm giảm xuống mức thấp nhất là 61,32 USD/thùng.
Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ cũng hạ 15 xu Mỹ, tương đương 0,3%, xuống mức 55,39 USD/thùng sau khi đã chạm ngưỡng 55,16 USD/thùng.
Theo số liệu mới nhất được Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) công bố ngày 30/10, các kho dự trữ dầu của nước này đã giảm 708.000 thùng trong tuần kết thúc vào ngày 25/10, xuống còn tổng cộng 436 triệu thùng.
Nhà phân tích thị trường Margaret Yang của CMC có trụ sở tại Singapore nhận xét rằng thị trường năng lượng không được hỗ trợ từ thông tin cho thấy lượng dự trữ dầu cùa Mỹ sụt giảm và nhà đầu tư gia tăng lo ngại triển vọng đối với nhu cầu sẽ suy yếu trong tương lai gần. “Sự lạc quan đối với việc ký kết thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung giai đoạn 1 giảm dần đã đè nặng lên thị trường dầu mỏ trong phiên giao dịch”.
Các nhà giao dịch dầu mỏ cũng thận trọng chờ đợi kết quả của cuộc họp chính sách kéo dài 2 ngày của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) dự kiến kết thúc vào ngày 30/10. FED được dự báo sẽ cắt giảm lãi suất lần thứ 3 trong năm nay để thúc đẩy nền kinh tế Mỹ đang có nguy cơ tăng trưởng chậm lại do ảnh hưởng từ căng thẳng thương mại với Trung Quốc và tăng trưởng kinh tế toàn cầu yếu.
Việc FED giảm lãi suất sẽ hỗ trợ giá dầu bởi tăng trưởng kinh tế mạnh hơn sẽ làm tăng nhu cầu dầu, trong khi dự trữ giảm cho thấy thị trường dầu mỏ sẽ cân bằng.
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Năng lượng Nga hôm 29/10 tuyên bố hiện còn quá sớm để nói về việc cắt giảm sản lượng sâu hơn của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, điều này gây thêm áp lực cho thị trường năng lượng toàn cầu.
OPEC và các nhà sản xuất dầu chủ chốt khác, dẫn đầu là Nga, còn được gọi là Nhóm OPEC +, đã cắt giảm sản lượng dầu 1,2 triệu thùng/ngày để hỗ trợ giá kể từ tháng 1 năm nay.
Cũng theo báo cáo của EIA, lượng dự trữ xăng của Mỹ đã giảm 4,7 triệu thùng, cao hơn mức dự đoán của các nhà phân tích trước đó chỉ giảm 2,2 triệu thùng và các kho dự trữ chưng cất giảm 1,6 triệu thùng, ít hơn so với mức giảm dự kiến là 2,35 triệu thùng.
Tuy nhiên, các kho dự trữ dầu thô tại Cushing, Oklahoma - trung tâm phân phối mặt hàng dầu WTI của Mỹ, đã tăng 1,2 triệu thùng.