Bộ trưởng Kinh tế các nước Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và các đối tác thuộc Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS) ngày 27/8 đã bày tỏ lo ngại về nguy cơ các thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) không thực thi được Thỏa thuận Bali (hay còn gọi là Gói Bali) - văn bản hướng tới giảm bớt các hàng rào thương mại toàn cầu.
Trong một thông cáo chung sau Hội nghị Bộ trưởng kinh tế EAS lần thứ hai, diễn ra tại thủ đô Nay Pyi Taw của Myanmar, các bộ trưởng "bày tỏ lo ngại về khả năng các thành viên WTO thực thi Thỏa thuận Bali," một thỏa thuận lịch sử đạt được tại một hội nghị cấp Bộ trưởng của WTO diễn ra tháng 12/2013 tại đảo nghỉ dưỡng Bali của Indonesia.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Globalopsanalysiscenter)
|
Trong Thỏa thuận Bali, các bộ trưởng đã nhất trí một gói vấn đề nhằm "khơi dòng" thương mại, cho phép các nước đang phát triển có nhiều lựa chọn hơn về an ninh lương thực, thúc đẩy thương mại của các nước kém phát triển nhất, và hỗ trợ phát triển nói chung.
Tuy nhiên, 7 tháng sau thỏa thuận mang tính bước ngoặt trên của WTO, chính phủ mới của Ấn Độ dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Narendra Modi hồi tháng trước đã quyết định rút lại sự ủng hộ của nước này đối với Thỏa thuận Bali với lý do có những tranh cãi liên quan đến chương trình an ninh lương thực.
Trong thông cáo chung của mình, các bộ trưởng kinh tế EAS "kêu gọi thực thi đầy đủ và cân bằng Thỏa thuận Bali, hoàn tất một chương trình làm việc về các vấn đề còn lại trong Lịch trình phát triển Doha, phù hợp với Quyết định cấp bộ trưởng tại Bali năm 2013".