Kiểm soát phương tiện vận chuyển ra vào ổ dịch tả lợn tại huyện Đông Anh. Ảnh: Nguyễn Lâm |
Là lò mổ lợn lớn nhất của Hà Nội, trung bình mỗi ngày, lò mổ Vạn Phúc (huyện Thanh Trì) giết mổ từ 1.800 – 2.000 con lợn. Lợn được vận chuyển chủ yếu từ một số huyện như: Mỹ Đức, Chương Mỹ, Thanh Oai… Bên cạnh đó là từ một số tỉnh, thành lân cận như: Hà Nam, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc… Anh Nguyễn Văn Tùng, cán bộ chăn nuôi – thú y huyện Thanh Trì, được giao nhiệm vụ giám sát giết mổ tại lò mổ Vạn Phúc cho biết, đàn lợn được vận chuyển đến sẽ được lực lượng liên ngành kiểm tra xuất xứ. Cùng với giấy kiểm dịch và niêm phong kẹp chì được các tỉnh, TP cấp, đàn lợn trước và sau giết mổ còn được kiểm tra lâm sàng, đóng 6 dấu kiểm dịch trước khi đưa đi tiêu thụ.Lò mổ Vạn Phúc là một trong những điểm giết mổ lợn đang được cơ quan chức năng liên ngành kiểm soát chặt chẽ. Tuy nhiên, việc kiểm soát giết mổ lợn trên địa bàn Hà Nội hiện vẫn chưa thực sự đồng độ. Theo thống kê, toàn TP hiện có 259 cơ sở giết mổ lợn, nhưng chỉ có 47/259 cơ sở được cấp chính quyền địa phương cho phép (chiếm 18%). Số lượng lợn giết mổ bình quân 6.500 – 7.000 con/ngày, nhưng trong đó, chỉ có trên 60% được kiểm soát chất lượng, còn lại gần 40% thịt lợn từ các lò giết mổ nhỏ lẻ chưa được kiểm soát.Đáng lo ngại, không chỉ lợn được chăn nuôi trên địa bàn TP, mà một lượng lớn lợn nhập từ các tỉnh, thành lân cận cũng chưa được kiểm soát. Thống kê 5 cơ sở giết mổ lợn lớn nhất của Hà Nội là lò mổ Vạn Phúc, cơ sở giết mổ Minh Hiền (huyện Thanh Oai) và 3 cơ sở tại huyện Chương Mỹ chỉ giết mổ khoảng 60% lợn nhập từ các tỉnh, TP. Còn lại 40% lợn nhập được giết mổ tại các cơ sở nhỏ lẻ, rất nhiều trong số lợn đó chưa được kiểm soát. Hỗ trợ kịp thời cho người chăn nuôiKhông thể phủ nhận hoàn toàn khả năng thịt lợn bị bệnh dịch tả lợn châu Phi có thể xuất hiện trên thị trường từ hoạt động giết mổ nhỏ lẻ. Tuy nhiên, đại diện Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội cho rằng, xác suất này là rất nhỏ. Sở dĩ vậy là bởi TP hiện đang rất nỗ lực để kiểm soát lợn bị bệnh, nghi mắc bệnh dịch tả châu Phi ra bên ngoài thị trường. Thực tế, ngay khi dịch bệnh được phát hiện, Hà Nội đã chủ trương hỗ trợ người chăn nuôi tiêu hủy ngay lập tức đàn lợn. Cùng với đó là hỗ trợ lợn bị tiêu hủy với mức giá tương đương giá thịt lợn bán ra thị trường. Chính vì vậy, không có lý do gì người chăn nuôi lại phải giấu dịch, cố tình giết mổ để tiêu thụ lợn chết. Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn thông tin thêm, thực tế, dù đã tích cực thông tin, tuyên truyền để người dân “không quay lưng với thịt lợn”, nhưng sản lượng tiêu thụ thịt lợn trên địa bàn TP vẫn giảm. Giá lợn hơi xuống thấp, thời gian qua chỉ đạt khoảng 30.000 đồng/kg. Đây là một nguyên nhân nữa khiến khả năng người chăn nuôi giết lợn bệnh để bán là rất thấp.Dù khả năng lợn bị dịch tả châu Phi được người chăn nuôi lén lút giết mổ để đưa ra thị trường tiêu thụ là không lớn, tuy nhiên, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho biết, TP không chủ quan và vẫn đang chỉ đạo quyết liệt các sở ngành, địa phương trong việc kiểm soát việc vận chuyển đàn lợn từ các tỉnh, thành lân cận. Bên cạnh đó, quản lý chặt chẽ đàn lợn cũng như công tác giết mổ trên địa bàn. Đặc biệt là đẩy mạnh tuyên truyền “5 không”, nâng cao nhận thức trách nhiệm cho người chăn nuôi trong nỗ lực chung nhằm sớm khống chế dịch tả lợn châu Phi.