Theo số liệu khảo sát của Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ LĐTB&XH), 2/3 số DN Việt Nam cho biết phần lớn NLĐ đang thiếu hụt các kỹ năng cần thiết cả về chuyên môn và các kỹ năng nòng cốt khác. Còn theo Báo cáo Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) công bố mới đây, nguồn nhân sự, kỹ sư giỏi tại Việt Nam vẫn khan hiếm, với 55% DN cho biết họ tương đối khó và 19% DN đánh giá là khó có thể tuyển được nhân lực giỏi.
|
Người lao động trả lời phỏng vấn xin việc tại Trung tâm giao dịch việc làm Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng |
Hệ lụy của vấn đề này là năng suất lao động thấp. Theo ông Nguyễn Anh Tuấn - Viện trưởng Viện năng suất Việt Nam, trung bình mỗi năm, năng suất lao động của Việt Nam tăng 3%, trong khi GDP tăng mỗi năm trên dưới 5%. Việc năng suất lao động tăng chậm hơn GDP sẽ kéo tăng trưởng của GDP quốc gia xuống. Việt Nam sẽ rất khó để rút ngắn khoảng cách với các nước như trong khu vực và thế giới.
Trước vấn đề này, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc cho rằng, việc cải cách hệ thống giáo dục đào tạo đang là yêu cầu quan trọng hiện nay. “Mọi cải cách đều phải bắt nguồn từ cải cách hệ thống đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Giờ đây, không phải thời các trường vô tư đưa ra chương trình đào tạo theo suy nghĩ, khung hay mong muốn của mình mà phải đặt trên nhu cầu của thị trường lao động, đào tạo theo cung - cầu, việc đào tạo phải thực dụng hơn”- ông Lộc nhấn mạnh.
Ở khía cạnh khác, ông Phạm Minh Huân - nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH cho rằng, khâu kết nối cung - cầu cả trong và ngoài nước là quan trọng nhất. Nguồn nhân lực trong nước phải đáp ứng điều kiện về tay nghề, thậm chí phải chuyển đổi nghề nghiệp nếu sản xuất sản phẩm mới. Bên cạnh đó, trang bị ngoại ngữ là một yếu tố không thể thiếu đối với NLĐ trong quá trình hội nhập, phát triển kinh tế. Trong khi theo ông Nguyễn Mạnh Quân - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển DN, nếu muốn có lực lượng lao động chất lượng, đóng góp vào những ngành nghề tạo nên sự phát triển thì cần có những định hướng khác ngay từ cấp giáo dục mầm non, tiểu học để các em có cái nhìn đa dạng hơn về những ngành nghề trong xã hội. Từ đó, hình thành ý thức tự lựa chọn, quyết định công việc phù hợp với bản thân chứ không đi theo số đông.
Mỗi DN Việt chi trung bình khoảng gần 400.000 đồng mỗi năm cho chi phí đào tạo từng nhân viên. Trong khi đó, các DN được cho là thành công trong công tác phát triển nguồn nhân lực phải chi đến 8% doanh thu cho đào tạo nhân sự. Nếu không thay đổi, các DN nghiệp Việt Nam khó thoát khỏi cảnh bị bỏ lại phía sau hoặc bị thâu tóm, nhường lại thị trường sau hiệp định CPTPP cho các DN nước ngoài với nguồn nhân lực ở trình độ cao. Đó là những cảnh báo mà Giám đốc Công ty Tư vấn nguồn nhân lực dOz International (Singapore) Angeline Teo đưa ra.