Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lo nợ đọng tái diễn

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Ngày 11/7, UBND TP Hà Nội tổ chức giao ban trực tuyến về xây dựng cơ bản (XDCB) quý II/2013 trên địa bàn.

Mặc dù tỷ lệ giải ngân vốn XDCB cao hơn so với mặt bằng chung của toàn quốc và tăng so với cùng kỳ năm trước nhưng lãnh đạo UBND TP cho rằng, con số 45% vẫn chưa đạt yêu cầu. Hai vấn đề cần đặc biệt quan tâm là nợ đọng và vướng mắc trong GPMB làm chậm tiến độ của các dự án, dẫn đến giải ngân chậm.

 
Lo nợ đọng tái diễn - Ảnh 1

Tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông đang được đẩy nhanh tiến độ.Ảnh: Thanh Hải
 

Không đề xuất dự án mới khi chưa trả nợ xong

Với sự tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, đặc biệt là các dự án chuyển tiếp và chuyển tiếp hoàn thành trong năm 2013, một số quận, huyện đã có kết quả giải ngân XDCB tốt như: Quận Tây Hồ giải ngân 22,9 tỷ đồng, bằng 93,1% kế hoạch; huyện Thanh Trì giải ngân 341,8 tỷ đồng, bằng 87,9% kế hoạch; Sở NN&PTNN giải ngân 427 tỷ đồng, bằng 53,1% kế hoạch. Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều dự án có tiến độ rất chậm. Tính đến hết tháng 6, vẫn còn 77 dự án thuộc giai đoạn thực hiện dự án chưa giải ngân kế hoạch vốn năm nay. 97 dự án chuẩn bị đầu tư chưa được duyệt trong tổng số 112 dự án có kế hoạch chuẩn bị đầu tư trong năm 2013.
 
Theo Kho bạc Nhà nước Hà Nội, tính đến hết tháng 6, một số đơn vị đạt kết quả thực hiện và giải ngân thấp, các dự án cấp TP có: Sở KH&CN đạt 22,6 tỷ đồng, bằng 4,5% kế hoạch; Sở TT&TT giải ngân mới chỉ đạt 0,3 tỷ đồng, bằng 0,93% kế hoạch. Một số đơn vị còn chưa giải ngân như quận Cầu Giấy, huyện Hoài Đức.

Vấn đề đáng lo ngại là nợ đọng trong XDCB đang có dấu hiệu gia tăng. Tính đến hết 31/12/2012, tổng số nợ xây dựng của các quận, huyện, thị xã là 990,3 tỷ đồng (1.562 dự án). Trong đó cao nhất là huyện Phúc Thọ 167,3 tỷ đồng (403 dự án); 5 huyện nợ trên 100 tỷ đồng gồm: Mỹ Đức, Quốc Oai, Thạch Thất, Ứng Hòa, Phú Xuyên. Theo kế hoạch năm 2013, các huyện bố trí trả nợ 267,6 tỷ đồng cho 426 dự án, tỷ lệ 27% tổng số nợ, trong khi mức TP yêu cầu là 30%. Sau khi bố trí vốn năm 2013, tính đến 31/5, còn 11/19 đơn vị nợ XDCB với tổng số nợ là 722,7 tỷ đồng của 1.100 dự án. Trong đó, Mê Linh nợ nhiều nhất là 137,6 tỷ đồng; ít nhất là huyện Thanh Oai 6,4 tỷ đồng.  

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đánh giá, việc nợ đọng XDCB có xu hướng tăng là vấn đề đặc biệt lưu ý. Vì vậy, các huyện cần nghiêm túc thực hiện Chỉ thị 14 của Thủ tướng Chính phủ, từ nay đến năm 2015, phải trích vốn được giao để trả nợ XDCB, chưa trả nợ xong thì không đề xuất dự án mới. Chủ tịch cho biết, TP sẽ thanh tra công vụ một số dự án có điều kiện triển khai nhưng chậm tiến độ, giải ngân thấp và các đơn vị nợ đọng trong XDCB.

 
Lo nợ đọng tái diễn - Ảnh 2
 
Tăng cường quản lý nhằm giảm tối đa việc nợ đọng trong xây dựng cơ bản.Ảnh: Thảo Oanh

Đền bù GPMB theo hệ số K

Đền bù GPMB thực hiện chậm là nguyên nhân chủ yếu khiến tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm rất chậm. Do đến nay, việc thực hiện GPMB theo cơ chế mới tại Quyết định số 02/2013/QĐ-UBND của UBND TP chưa có hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn nên không dự án nào được phê duyệt điều chỉnh để có cơ sở thực hiện. Chỉ ra trách nhiệm của từng ngành, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cho rằng, GPMB chậm trong thời gian qua do Sở Tài chính chưa quyết liệt, thiếu sát sao. Sở KH&ĐT phải chịu trách nhiệm về việc hàng loạt dự án BT chậm tiến độ, nợ đọng tái diễn…

Vấn đề vướng mắc nhất trong GPMB là cơ chế xác định giá đất ở theo nguyên tắc "sát với giá thị trường". Hiện, rất khó áp dụng nguyên tắc này trong bối cảnh thị trường bất động sản còn đóng băng, nhiều nơi không có giao dịch để làm căn cứ xác định giá. Bên cạnh đó, còn có khả năng phát sinh tiêu cực, tạo giao dịch "ảo" để làm ảnh hưởng đến việc xác định giá đền bù GPMB của các dự án.
 
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo chỉ đạo, về nguyên tắc xác định giá, theo quy định có thể áp dụng phương pháp sử dụng hệ số K. Mặt khác, cần tính toán để tránh việc mất cân đối giữa đầu đi (đền bù GPMB) và đầu đến (giá nhà tái định cư).
 
Chủ tịch UBND TP giao Sở Tài chính chủ trì, khẩn trương đưa ra phương án xác định giá, xác định hệ số K. Đồng thời, các sở QH - KT, KH&ĐT, Xây dựng cùng các quận, huyện tính toán, đưa ra phương án để giải quyết vấn đề tái định cư. Những công trình đã phân cấp cho các quận, huyện, sở, ngành, nếu không thực hiện được thì chuyển lại cho TP để giao cho các đơn vị có năng lực.

 
Theo kế hoạch phân bổ ngân sách năm 2013, vốn do cấp TP quản lý là 16.794 tỷ đồng, riêng vốn XDCB tập trung là 8.979 tỷ đồng, phân bổ cho 533 dự án. Trong đó, 112 dự án đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư với số vốn 68 tỷ đồng, 403 dự án trong giai đoạn thực hiện với, vốn 8.221 tỷ đồng. Trong năm 2013 sẽ có 156 dự án, công trình hoàn thành.