Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lo nước cho mùa hè

Vũ Duy Thông
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nước sạch thiết yếu với đời sống con người. Người ta có thể thiếu ăn hàng tháng nhưng không thể thiếu nước uống một ngày.

Tuy là một nước nhiều mưa, nhiều sông ngòi  nhưng nước ta lại là quốc gia có mức tiêu thụ nước sạch dưới 4.000 lít/người/năm, tức là một quốc gia thiếu nước sạch, bởi tuy có nhiều sông ngòi nhưng 60% sông ngòi có dòng chảy xuất phát từ nước khác (Trung Quốc, Lào, Campuchia…) nên không chủ động được nguồn nước.
 Công nhân vận hành hệ thống bơm tại Nhà máy nước Yên Phụ. Ảnh: Phạm Hùng
Tình trạng thiếu nước càng nghiêm trọng hơn do các sông ngòi, hồ nước bị ô nhiễm nước thải, nguồn nước ngầm ngày càng cạn kiệt do biến đổi khí hậu, hiện tượng nước biển dâng, sa mạc hóa ở miền Trung và suy thoái đất diễn ra nhanh chóng. Cùng với đó, nhu cầu nước cho sản xuất và tiêu dùng của Việt Nam lại không ngừng tăng lên. Năm 1990 cả nước dùng hết  50 tỷ mét m3, năm 2010 khoảng 72 tỷ m3, năm 2020 dự báo sẽ lên 80 tỷ m3/năm.
Trong số các tỉnh, TP, Hà Nội là địa phương thiếu nước sạch gay gắt nhất. Theo dự báo của Công ty Nước sạch số 2 Hà Nội cho thấy, vào thời gian cao điểm mùa hè, khu vực quận Long Biên, huyện Gia Lâm khi nắng nóng kéo dài có thể xảy ra tình trạng thiếu nước cục bộ. Khu vực huyện Mê Linh cũng trong tình trạng tương tự khi Nhà máy nước Quang Minh không đáp ứng đủ yêu cầu. Đó là chưa kể sự cố từ đường ống nước sông Đà đã vỡ đến lần thứ 20 và  Dự án nước sông Đà 2 không bảo đảm tiến độ.
Trước thực trạng trên, đầu tháng 3 vừa qua, dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống với tổng vốn đầu tư 4.998 tỷ đồng, quy mô đến năm 2020 công suất 300.000m3/ngày đêm đã được khởi công xây dựng tại khu vực xã Phù Đổng và xã Trung Mầu (huyện Gia Lâm). Dự án hoàn thành bảo đảm cung cấp nước sạch cho 168 xã, phường thuộc 8 quận, huyện khu vực phía Đông Bắc, phía Nam TP Hà Nội và các vùng phụ cận.
Để mở rộng nguồn cấp nước cho TP Hà Nội giai đoạn 2017 - 2018, Sở Xây dựng Hà Nội cũng đã đề xuất nâng công suất Nhà máy nước Bắc Thăng Long lên 150.000m3/ngày đêm; đầu tư xây dựng trạm cấp nước Dương Nội công suất 30.000m3/ngày đêm (tại trạm bơm tăng áp Hà Đông); đầu tư xây dựng trạm cấp nước Quan Sơn (huyện Mỹ Đức); hệ thống cấp nước Nhà máy nước Xuân Mai công suất 600.000m3/ngày đêm.
Có thể khẳng định, TP đã cố gắng rất nhiều trong việc cấp nước sạch cho Nhân dân Thủ đô, nhưng với dự báo mùa hè năm nay sẽ kéo dài và nhiệt độ gay gắt, Hà Nội chắc chắn vẫn thiếu nước sạch. Để tránh ảnh hưởng đến tình hình kinh tế - xã hội và đời sống Nhân dân, không còn cách nào khác, phải xã hội hóa việc cấp nước. Đó là tạo điều kiện cho tư nhân đầu tư vào ngành cấp nước phát triển, trước hết là bảo đảm quyền bình đẳng trong sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, bên cạnh những đầu tư của TP, sự kêu gọi xã hội hóa vẫn cần nâng cao ý thức tiết kiệm nước của mỗi người dân. Một TP  gần 10 triệu dân, chỉ cần mỗi người bớt đi một xô nước trong nấu ăn, giặt giũ, tắm rửa, thì đã tiết kiệm được lượng nước đáng kể, mức thất thoát sẽ không còn 21% như hiện nay nữa. Xa hơn, phải nghĩ đến sông ngòi, hồ nước, nước ngầm. Bởi không thể chấp nhận được một TP nằm giữa 4 con sông (trong đó có 148km sông Hồng - con sông lớn, tạo nên đồng bằng Bắc bộ), trong lòng nó có 3 con sông thoát nước (Tô Lịch, Lừ, Kim Ngưu) và mỗi năm có nhiều tháng mưa, đổ xuống biển hàng tỷ m3 nước ngọt mà phải chịu cảnh “có nước lội mà không có nước uống”.