KTĐT - Đồng thuận giảm lãi suất nhưng các nhà băng tỏ ra lo ngại sẽ khó khăn hơn trong việc huy động vốn thời gian tới.
Nhiều nhà băng e ngại sẽ mất khách vì lãi suất tiết kiệm quanh ngưỡng 11% sẽ không hấp dẫn, có thể gây ra sự dịch chuyển từ tiền đồng sang ngoại tệ...
Tại Ngân hàng Việt Nam Thương Tín (VietBank), lãi suất ở hầu hết kỳ hạn cao nhất chỉ còn 11,2% áp dụng từ ngày 13/7. Tương tự, Ngân hàng Quân Đội hôm 9/7 cũng đã đưa mức lãi suất huy động đồng loạt xuống dưới 11,2%.
Trước đó, các ngân hàng lớn như Ngoại thương Việt Nam, ACB, Hàng Hải ... và nhiều nhà băng khác đã đưa lãi suất tiết kiệm xuống còn 11,10-11,20% một năm. Mức 11% một năm áp cho các kỳ hạn 1 và 2 tháng; còn lại nằm dưới 10,5% một năm.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM cho biết, tính đến hôm nay, hầu hết ngân hàng ở phía Nam đã hoàn tất việc thực hiện giảm lãi suất huy động theo quy định, cá biệt chỉ còn lại vài nhà băng vì một số lý do nào đó nên chậm trễ.
Đồng thuận giảm lãi suất nhưng các nhà băng tỏ ra lo ngại sẽ khó khăn hơn trong việc huy động vốn thời gian tới. Tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần tại TP HCM chia sẻ, việc Ngân hàng Nhà nước kiên quyết đưa mặt bằng lãi suất giảm xuống phần nào ảnh hưởng đến quyết định của người gửi tiền. "Một khi lãi suất huy động xuống còn quanh mức 11% và cắt tất cả khoản thưởng, khách hàng sẽ có tâm lý đắn đo và cân nhắc kỹ hơn trước khi quyết định gửi tiền vào nhà băng nữa hay không", vị này nói.
Cùng quan điểm, Tổng giám đốc của một ngân hàng thương mại khác nhấn mạnh, việc giảm lãi suất huy động để tiến tới giảm lãi suất cho vay là phù hợp với nhu cầu mở rộng tín dụng của ngân hàng. Tuy nhiên, hiện lượng tiền gửi đang có dấu hiệu giảm, có thể giảm mạnh trong thời gian tới do lãi suất huy động không còn hấp dẫn khách hàng. "Chắc chắn đầu vào của các nhà băng sẽ căng thẳng trong thời gian tới", ông nói.
Tuy nhiên, theo Ngân hàng Nhà nước, hiện thanh khoản của hệ thống ngân hàng tương đối tốt, tốc độ tăng vốn huy động cho đến cuối tháng 6 tiếp tục cao hơn tăng trưởng dư nợ, lãi suất trái phiếu chính phủ đang trong xu thế giảm, lạm phát được kiềm chế… là những yếu tố thuận lợi hỗ trợ cho các nhà băng thực hiện lộ trình giảm lãi suất, kích thích dư nợ.
Ông Phạm Quang Dũng, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam cho rằng, việc giảm lãi suất xuống quanh 11% nếu xét trên tổng thể thì không đáng lo ngại, vì hiện lạm phát của Việt Nam được dự đoán dừng lại ở mức một con số. Do đó, với mức 11% hay 10% vẫn đảm bảo quyền lợi cho người gửi thực dương. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là liệu những kênh khác có hút lượng tiền đồng không. Chẳng hạn như chênh lệch lãi suất tiền đồng và USD đang được rút ngắn. Một khi chênh lệch lãi suất giữa tiền đồng và đô la Mỹ thấp hơn 6 phần trăm, sự chuyển dịch tiết kiệm từ tiền đồng sang ngoại tệ sẽ diễn ra và ngược lại.
Theo ông Dũng, vì việc hạ lãi suất huy động mới được triển khai vài ngày nên chưa thể đánh giá được mức độ ảnh hưởng. "Nếu tất cả nhà băng đều đồng thuận hạ lãi suất thì việc dòng vốn từ nhà băng này chảy qua nhà băng kia sẽ không xuất hiện", ông Dũng nói.
Trước thực trạng nhiều nhà băng chần chừ không chịu giảm lãi suất huy động, ngày 6/7, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có công văn yêu cầu các tổ chức tín dụng thực hiện đúng nội dung đồng thuận giảm lãi suất huy động tiền đồng. Các nhà băng vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm.
Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM Nguyễn Hoàng Minh cho biết, cơ quan này đã thông báo nội dung này đến các ngân hàng thương mại trên địa bàn và đang chờ các nhà băng báo cáo tình hình thực hiện. “Sau khi có báo cáo, Ngân hàng nhà nước sẽ tiến hành kiểm tra bất cứ nhà băng nào xem họ có thực hiện theo đúng cam kết và bị vướng mắc, hay khó khăn nào”, ông Minh nói.