Một thực tế hiện nay là việc chính phủ các quốc gia châu Âu nói riêng và trên toàn thế giới nói chung đang xem công nghệ 5G là động lực chính cho sự phát triển kinh tế trong tương lai. Trong khi đó, tập đoàn Huawei của Trung Quốc đã âm thầm trở thành nhà cung cấp thiết bị mang tính cốt lõi hàng đầu cho các mạng di động, đặc biệt là tại các thị trường đang phát triển nhờ giá thành thấp hơn.
Tuy nhiên, ngày càng nhiều quốc gia phương Tây quay lưng lại với Huawei, đặc biệt là sau những cảnh báo của tình báo Mỹ về việc thiết bị của DN công nghệ viễn thông hàng đầu Trung Quốc đang đóng vai trò như một gián điệp của chính quyền Bắc Kinh, nhằm xâm nhập vào hệ thống an ninh các nước.
Và việc "nói không" với Huawei tại thời điểm này là một quyết định không thể khó khăn hơn, bởi không nhà quản trị nào muốn bị bỏ lại phía sau trong cuộc đua khốc liệt hiện nay. Theo các chuyên gia, sự tiến bộ của Huawei đã đi trước từ 6 tháng - 1 năm so với Ericsson của Thụy Điển về chất lượng của thiết bị 5G, trong khi Nokia - nhà sản xuất thiết bị mạng di động số 2 tới từ Phần Lan - được cho là còn chậm hơn nữa.
"Chúng ta muốn tránh người Trung Quốc nhưng hiện họ là những người tiên tiến nhất trong khu vực", chuyên gia viễn thông và truyền thông tại Roland Berger Victor Marcais nhận định: "Huawei đã chuyển mình trong vài năm qua, từ một lựa chọn 'giá rẻ' để trở thành kẻ dẫn đầu công nghệ 5G".
Chiến lược của Huawei
Một số nguồn tin cho biết, Huawei thậm chí đã giúp Nokia trong nghiên cứu và phát triển để tránh đơn phương độc mã trong cuộc chiến 5G với Ericsson.
Sau khi vừa trở thành người chơi của mạng 4G, DN có trụ sở tại Thâm Quyến đã đặt mục tiêu thống trị 5G bằng cách đầu tư từ 10 - 15% doanh thu bán hàng cho việc nghiên cứu và phát triển. Huawei đã chi 13,8 tỷ USD cho R&D trong năm 2017 và 15 tỷ USD vào năm ngoái.
Theo IHS Markit, Huawei là nhà cung cấp thiết bị số một cho các mạng viễn thông trong năm 2017, với 22% thị phần, trong khi Nokia chiếm 13% và Ericsson đạt 11%. Khoảng cách vượt trội này được dự báo sẽ còn gia tăng khi nhiều nhà khai thác trên toàn thế giới phát triển mạng 5G, mặc cho những căng thẳng chính trị hiện tại đang tạo ra nguy cơ suy giảm khả năng khai thác thị trường của Huawei.
Các nước châu Âu, cũng như Mỹ hay các quốc gia châu Á, đều muốn nhanh chóng triển khai 5G với các dịch vụ đầu tiên, ít nhất là sẽ hoạt động vào năm 2019 - mục tiêu khó có thể đạt được mà không nhờ tới Huawei. Bloomberg còn dẫn một cảnh báo khi cho rằng châu Âu có thể tụt lại phía sau Trung Quốc và Hoa Kỳ tới 2 năm nếu họ quyết định không dùng thiết bị 5G của Huawei.
Vậy vấn đề nan giải đặt ra lúc này với viễn thông của châu Âu: Nếu những cáo buộc an ninh của Mỹ với "gã khổng lồ" công nghệ của Trung Quốc là chính xác, có nên đánh đổi bảo mật quốc gia cho sự phát triển kinh tế?