Đó là chia sẻ của nguyên Ủy viên T.Ư Đảng, nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra T.Ư Vũ Quốc Hùng về công tác cán bộ trong giai đoạn hiện nay.
Phát lộ nhiều tồn tại trong công tác cán bộ Mấy tháng gần đây, Ủy ban Kiểm tra T.Ư liên tục đưa ra các kết luận mà dư luận hết sức quan tâm liên quan đến các cán bộ đơn vị, địa phương. Gần đây nhất là sai phạm của Bí thư, Chủ tịch TP Đà Nẵng, rồi Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ hay việc bổ nhiệm người nhà tại Tập đoàn Hóa chất Việt Nam. Ông đánh giá thế nào về những kết luận này cũng như công tác xử lý cán bộ vi phạm thời gian qua?- Phải nói là các cơ quan của Đảng đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình. Đặc biệt những kết luận vừa qua của Ủy ban Kiểm tra T.Ư về sai phạm của một số cán bộ, trong đó có cả cán bộ cấp cao được dư luận hoan nghênh, đánh giá cao vì vừa có lý, vừa có tình và vừa chỉ ra rõ “một bộ phận” thoái hóa, biến chất. Tuy nhiên, qua đây cũng phát lộ nhiều vấn đề còn tồn tại trong công tác cán bộ từ tuyển chọn đến bổ nhiệm, giám sát, nên đã dẫn đến tình trạng hư hỏng của không ít cán bộ có chức, có quyền. Nên tôi đồng tình ý kiến cho rằng có việc vụ lợi, hay nói thẳng là tham nhũng chức vụ, lợi dụng ảnh hưởng của mình để tùy tiện bổ nhiệm người nhà, đưa những cán bộ không đủ tư cách, phẩm chất vào những vị trí không tương xứng. Câu chuyện ở Tập đoàn Hóa chất là một ví dụ, hay tại Công ty dược Pharma mà dư luận đang có nhiều ý kiến cũng cần sớm được làm rõ.
Trước “sức nóng” của công tác cán bộ, mới đây Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo tổng kiểm tra công tác bổ nhiệm cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo trên cả nước để trả lời dư luận, cử tri. Theo ông, kiến nghị này có xác đáng?- Đúng là cần thiết phải tổng kiểm tra lại công tác bổ nhiệm cán bộ theo như đề nghị của Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội đối với Chính phủ. Tôi cho rằng không chỉ chính quyền mà cả các cấp ủy cũng phải thực hiện rà soát, kiểm tra lại toàn bộ. Bởi thực tế tình trạng con ông cháu cha, thân quen được cất nhắc, bổ nhiệm với quy trình chóng mặt rất nhiều. Chúng ta phải làm chặt để “loại ngũ” những đối tượng đó, làm trong sạch bộ máy, nâng cao hiệu quả điều hành, chỉ đạo, quản lý Nhà nước.Đây không phải công việc dễ dàng, đòi hỏi cơ quan chủ trì phải tập hợp được những người không chỉ giỏi nghiệp vụ mà còn bản lĩnh, không nể nang, né tránh. Nhiệm vụ này cũng cần làm chặt chẽ, không hấp tấp và muốn có kết quả cao, phải dựa vào dân, để dân giám sát, phản ánh những điều trung thực nhất.Đừng hòa cả làngTrước khi tổ chức đại hội Đảng các cấp, công tác nhân sự được cho là chuẩn bị hết sức kỹ lưỡng với quy trình nhiều khâu, chặt chẽ, tuy nhiên đến nay chưa được nửa nhiệm kỳ, số cán bộ “lọt lưới” bị kỷ luật lại không ít. Vậy theo ông, phải làm thế nào để không còn tình trạng cán bộ thiếu đức, thiếu tài ngồi “nhầm ghế”?- Đại hội Đảng các cấp mới đi qua nửa nhiệm kỳ mà đã phát hiện ra không ít sai phạm trong công tác cán bộ, từ T.Ư đến địa phương. Đây là hồi chuông báo động đối với việc bổ nhiệm, bố trí nhân sự. Tôi rất mong T.Ư mà trực tiếp Bộ Chính trị, Ban Bí thư quyết tâm làm trong sạch bộ máy hơn nữa. Trước tiên, phải lựa chọn được những người đứng đầu đủ tâm, đủ tầm rồi đến các cơ quan làm chức năng về công tác cán bộ như tổ chức, nội vụ, thanh tra, kiểm tra, hay tựu chung lại là cấp ủy, chính quyền các cấp, vừa nâng cao năng lực quản lý, chuyên môn, nhưng cũng phải thường xuyên tự làm trong sạch mình. Chúng ta thường nói nêu cao vai trò người đứng đầu, nhưng kèm theo đó là các giải pháp kiểm soát quyền lực, liệu hai vế đó có “vênh nhau”, làm hạn chế hiệu quả công tác quản lý, điều hành, thưa ông?- Chẳng có gì là mâu thuẫn cả, quan trọng là chúng ta thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, làm tốt tự phê bình và phê bình đảm bảo thực chất. Bởi quy định đã nêu rõ tập thể lãnh đạo, nhưng phân công cá nhân phụ trách và người đứng đầu chịu trách nhiệm. Mỗi cán bộ quản lý đều đảm đương những công việc cụ thể, nên nếu lĩnh vực ấy xảy ra vấn đề, người điều hành trực tiếp phải chịu trước tiên. Không thể khi sai đổ lỗi cho tập thể, khi có công lại vơ vào mình. Từ tinh thần đó, tôi cho rằng cần tiếp tục mở rộng dân chủ, phân công phụ trách rõ ràng, tránh tình trạng chung chung, không có địa chỉ rõ ràng, cuối cùng lại “hòa cả làng”.Có ý kiến cho rằng, vừa rồi kiểm tra làm mạnh, xử lý nhiều cán bộ, cứ đà này lấy ai ra làm việc. Quan điểm của ông về việc này thế nào?- Tôi thì nghĩ rằng đó mới chỉ là bước đầu, lò cũng vừa nóng thôi, cần phải tiếp tục làm mạnh hơn nữa. Như Bác Hồ đã nói: “Giặc nội xâm chính là “giặc ở trong lòng”, là tham ô, lãng phí, quan liêu. Giặc nội xâm ở bên trong mỗi con người, mỗi cơ quan đoàn thể. Giặc bên ngoài dễ nhìn ra, dễ phát hiện; còn giặc ở bên trong, khó phát hiện, không dễ nhìn thấy. Vì giặc nội xâm và ngoại xâm cấu kết nhau, chúng ta không chỉ chống giặc bên ngoài, giặc ngoại xâm, mà còn phải chống giặc bên trong, giặc nội xâm. Nếu chỉ ra sức chống giặc ngoại xâm mà quên chống giặc nội xâm là chưa làm tròn nhiệm vụ của mình”. Do đó, đây phải là nhiệm vụ thường xuyên, xuyên suốt để xây dựng, làm cho Đảng trong sạch, vững mạnh hơn. Quyết tâm ấy cũng được Đảng cụ thể hóa từ Nghị quyết T.Ư 6 (lần 2, khóa VIII) rồi Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI) và Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XII). Nhân dân và những đảng viên kiên trung luôn ủng hộ điều đó.Nhân đề cập đến công tác thanh tra, kiểm tra, một số vụ việc đang được quan tâm như việc bổ nhiệm Trưởng phòng Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa hay “biệt phủ” của Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Yên Bái, nhưng đến nay cơ quan chức năng vẫn chưa đưa ra công khai kết luận cụ thể? Theo ông, có gì bất thường ở đây không?- Hai vụ việc đang được dư luận rất mong đợi, nhưng không hiểu vì lý do gì đến nay vẫn chưa công khai. Trong khi đó, Ủy ban Kiểm tra T.Ư sau khi kiểm tra, đều đưa ra kết luận rõ ràng, công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng. Công việc nội bộ của Đảng còn được công khai như vậy, chẳng có lý gì những việc như ở Yên Bái hay Thanh Hóa lại phải giấu cả. Bởi nếu xử lý chậm sẽ ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước.Xin cảm ơn ông!