Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Loạn giá mỹ phẩm xách tay

Bài, ảnh: Kim Dung
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mỹ phẩm xách tay từ nước ngoài như Nhật, Hàn, Pháp… luôn được các bạn nữ ưa chuộng và tin dùng.

Tuy nhiên, giá bán của các sản phẩm này khi về Việt Nam lại rất khác nhau khiến người mua không khỏi hoang mang.
Các loại son, kem trắng da, dưỡng da… được người bán giới thiệu là hàng xách tay từ nước ngoài đang được bày bán tràn lan trên mạng. Trong vai người mua hàng, phóng viên liên hệ với một shop chuyên bán mỹ phẩm xách tay Nhật Bản tại quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh để mua son môi. Người bán hàng báo giá 590.000 đồng cho 1 cây son Shu Uemura. Tuy nhiên vẫn là thỏi son này, một shop khác ở quận 3 lại bán với giá 650.000 đồng và một shop bán hàng online trên facebook lại có giá 500.000 đồng.

Son Shu Uemuara được gắn nhiều giá bán khác nhau, chênh lệch đến 150.000 đồng/thỏi. 

Bạn Kiều Oanh (du học sinh Nhật Bản) chia sẻ, ở Nhật Bản không có nơi nào bán rẻ hơn giá niêm yết của các hãng đưa ra, dù mua với số lượng lớn thì giá cũng không thay đổi, trừ khi đó là dịp giảm giá. Một thỏi son Shu Uemuara ở Nhật có giá khoảng 3.456 Yên Nhật (tức khoảng 700.000 đồng) nên khi về Việt Nam sẽ không thể có giá 500.000 đồng được. Đó là còn chưa tính nhiều khoản thuế, phí vận chuyển, lợi nhuận… Kiều Oanh chia sẻ: “Có thể những loại mỹ phẩm rẻ tiền được xách tay từ Nhật Bản về Việt Nam đều được lấy từ các cửa hàng mỹ phẩm giá rẻ của người Trung Quốc đang bày bán tại nhiều nơi ở Nhật Bản hoặc chỉ là hàng nhái, hàng kém chất lượng”.
Ngoài son môi, phóng viên tiếp tục khảo giá các loại mỹ phẩm khác và nhận thấy giá cả mỗi nơi mỗi khác. Giá các sản phẩm cùng loại chênh lệch nhau có khi lên đến 20-30%. Tại cửa hàng mỹ phẩm xách tay quận Phú Nhuận, chủ một cửa hàng tư vấn cho chúng tôi về sản phẩm sữa dưỡng da Revital Moisturizer. Theo chủ kinh doanh, đây là sản phẩm được xách tay từ Nhật Bản về và đang được giảm giá, giá bán hiện tại là 1,3 triệu đồng, trước đó, sản phẩm này có giá 1,6 triệu đồng. Khi bị phóng viên hỏi về  tem nhãn, xuất xứ hay giấy tờ kiểm định chất lượng sản phẩm thì chủ cửa hàng khó chịu: “Chị không mua thì thôi, hàng xách tay làm gì có mấy thứ đó”.
Theo bác sĩ Lê Hoa, Bệnh viện Da liễu T.Ư: “Mọi người nên chú ý các thành phần có trong mỹ phẩm để tránh những chất có thể gây dị ứng cho da. Trước khi dùng phải thử vào phần da phía trong của cánh tay, xem có bị dị ứng không và cần bảo quản mỹ phẩm đúng cách để tránh làm cho các chất bên trong mỹ phẩm biến tính. Khi bắt đầu có dấu hiệu bị dị ứng, nên đến ngay những cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và chữa trị kịp thời.”