Tuy nhiên, lợi dụng cuộc vận động, không ít hộ kinh doanh, DN nhỏ nhập lậu hàng Trung Quốc, phần nhiều trong số đó là hàng dệt may, gắn mác sản phẩm Việt để thu lời bất chính. Vỏ “Việt”, gốc “ Trung Quốc” Những năm gần đây việc các cửa hàng thời trang “Made in Vietnam” liên tục được mở đã trở nên quá bình thường. Một điểm dễ nhận thấy ở những cửa hàng thời trang Việt này là các sản phẩm quần áo có mẫu mã đa dạng nhưng giá bán không quá cao. Quan sát một số cửa hàng thời trang “Made in Vietnam” trên phố Chùa Bộc cho thấy, sản phẩm dệt may Việt Nam đang tạo được sức hút không nhỏ với nhiều người tiêu dùng. Nhưng điều đáng ngạc nhiên khi bước chân vào cửa hàng là sản phẩm dệt may “Made in Vietnam” lại có giá siêu rẻ, quần bò chỉ từ 200.000 – 250.000 đồng/chiếc, áo sơ mi 100.000 – 150.000 đồng… Khi thắc mắc hàng Việt xuất khẩu sao lại rẻ như vậy? Chủ cửa hàng khẳng định: Đây là hàng Việt bởi có tem mác chứng minh nguồn gốc, giá rẻ bởi sản phẩm bị lỗi nên không xuất khẩu được. Nhưng khi kiểm tra mới thấy mặc dù sản phẩm có dán mác Việt Nam nhưng không có mã số, mã vạch để kiểm tra nguồn gốc sản phẩm. Thậm chí có những sản phẩm dán tem ghi hàng Việt Nam nhưng phía trong lại có dòng chữ “Made in China”.
Qua tìm hiểu thực tế mới biết đa phần sản phẩm may mặc bày bán tại các cửa hàng thời trang Việt Nam xuất khẩu chủ yếu là hàng Trung Quốc nhập lậu…Trước khi đưa ra thị trường, người bán chỉ việc đính lên sản phẩm mác có logo của các DN thời trang Việt Nam… là có hàng “Made in Vietnam”. Các loại nhãn mác này thường được bày bán nhiều trên phố Hàng Bồ (quận Hoàn Kiếm) hoặc đặt cơ sở sản xuất nhãn mác với giá 400 – 500 đồng/chiếc. Người Việt tự hại hàng Việt Đề cập đến nguyên nhân tình trạng hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt, ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho rằng: Tâm lý người tiêu dùng đã thay đổi, không thích sử dụng hàng Trung Quốc sản xuất mặc dù giá rẻ hơn hàng Việt. Ngoài ra, nếu được gắn nhãn hiệu "Made in Vietnam", việc tiêu thụ khá dễ, giá bán lại cao hơn rất nhiều. Chẳng hạn như váy đầm trẻ em hiệu Disney hàng Trung Quốc giá chỉ 100.000 – 120.000 đồng/chiếc, nhưng nếu mang mác hàng Việt thì giá lên tới 180.000 – 200.000 đồng/chiếc. Theo Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại (BCĐ 389) đã có tình trạng một số cá nhân, DN Việt Nam lợi dụng những ưu đãi thuế xuất khẩu từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã đặt DN Trung Quốc sản xuất nhưng chỉ xuất khẩu một phần hàng hóa, số còn lại gắn nhãn mác hàng Việt để tiêu thụ nội địa. Ông Nguyễn Công San - Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết: Đã có tình trạng nhiều cơ sở sản xuất trong nước trực tiếp đặt hàng DN Trung Quốc sản xuất rồi mang về gắn mác mang thương hiệu của DN. “Có DN khi bị phát hiện gắn nhãn mác Việt Nam lên hàng Trung Quốc lại “lý luận” nguyên liệu sản xuất ngành dệt may chủ yếu phải nhập khẩu từ Trung Quốc, nên việc đặt Trung Quốc sản xuất rồi gắn tên DN thì cũng như Việt Nam làm ra. Làm như thế còn giúp giảm giá thành sản phẩm” - ông Nguyễn Công San dẫn chứng. Hệ quả của tình trạng đội lốt là nguyên nhân không nhỏ khiến sản xuất trong nước gặp nhiều khó khăn. Và Nhà nước thất thu ngân sách. Thậm chí không loại trừ khả năng hàng Trung Quốc trà trộn vào hàng Việt Nam xuất khẩu đi nước ngoài. Để giải quyết vấn nạn này, trong thời gian tới Nhà nước cần có sự chỉ đạo và chính sách có tính thống nhất về chống hàng giả do nước ngoài sản xuất. Đồng thời, chính bản thân DN Việt cũng cần ý thức trong việc thuê DN Trung Quốc sản xuất hoặc nhập lậu sản phẩm sau đó gắn nhãn hiệu “Made in Vietnam” hoặc để hợp thức hóa. Bởi hoạt động này không chỉ kiếm lời bất chính mà còn tiếp tay "giết chết" thương hiệu Việt đã mất nhiều công sức xây dựng. Bên cạnh đó, người tiêu dùng kiên quyết nói không với hàng giả, qua đó bảo vệ quyền lợi của chính mình, góp phần xây dựng thị trường hàng Việt uy tín, chất lượng.
Người tiêu dùng chọn mua sản phẩm dệt may Việt Nam tại hội chợ hàng Việt tổ chức trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm. Ảnh: Hoài Nam |