Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Loay hoay chọn ngành thi

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chưa nắm rõ 2 Quy chế thi, sợ phải làm bài thi môn tự luận, sợ phải đi đến điểm thi...

Kinhtedothi - Chưa nắm rõ 2 Quy chế thi, sợ phải làm bài thi môn tự luận, sợ phải đi đến điểm thi xa có giám thị trường ĐH coi thi nên nhiều thí sinh (TS) đang loay hoay chọn ngành nghề đăng ký dự thi. Nhiều em đã quyết định thay đổi khối thi để hy vọng có nhiều cơ hội cho dù năng lực môn học không tốt.

Đổi môn để có nhiều cơ hội

Mặc dù đã được đọc Quy chế thi THPT quốc gia và Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ, nhưng nhiều học sinh (HS) lớp 12 trường THPT Đa Phúc (xã Trung Giã) và một số trường THPT ở huyện Sóc Sơn cho biết, không hiểu nhiều các quy định trong Quy chế. Bởi vậy, khi tham gia buổi tư vấn hướng nghiệp - tuyển sinh do Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên Hà Nội tổ chức, nhiều em tỏ rõ sự lo lắng. Hoàng Thị Linh - HS lớp 12A7 chia sẻ: “Em thấy kỳ thi “hai trong một” khó hơn so với mọi năm, nên không biết làm bài có đạt điểm đỗ tốt nghiệp không chứ chưa nói đến đủ điểm xét tuyển vào ĐH. Tuy nhiên, bố mẹ em lại nói, thời đại này nếu không có tấm bằng ĐH trong tay thì khó xin việc. Và em quyết định chọn ĐH Sư phạm, nhưng chưa biết chọn ngành nào”.

 
Một buổi tư vấn tuyển sinh và hướng nghiệp tại trường THPT Tây Hồ, Hà Nội.
Một buổi tư vấn tuyển sinh và hướng nghiệp tại trường THPT Tây Hồ, Hà Nội.
Cũng mang tâm trạng lo âu, Lê Thị Thu Nguyệt - lớp trưởng lớp 12K cho biết, nhiều bạn trong lớp đang băn khoăn không biết chọn thi tốt nghiệp hay thi tốt nghiệp đồng thời lấy điểm xét tuyển vào ĐH. Bản thân Nguyệt tại thời điểm này đã quyết định thay đổi khối thi. “Từ nhiều tháng trước, em học ôn theo khối B để thi vào y dược, nay tìm hiểu thêm thông tin, em biết nếu trượt nguyện vọng 1 sẽ không có nhiều cơ hội xét tuyển nguyện vọng sau vào trường khác, cho nên em chuyển sang khối A1, cho dù lực học môn Vật lý không tốt”. Đây cũng là tâm lý khá phổ biến của các TS thời điểm này.

Hơn nữa, vì muốn có “con đường lui” an toàn, nhiều TS quyết định “né” môn Ngoại ngữ do có phần tự luận bằng việc chọn thêm một hoặc 2, 3 môn khác. Nói như Nguyễn Hoàng Anh - HS lớp 12C: “Các bạn trong lớp em rất lo khi phải chọn môn tiếng Anh để xét tuyển vào ĐH. Từ trước đến nay, chúng em ôn thi theo kiểu làm bài trắc nghiệm, giờ có tự luận thì sốc quá, nhất là chỉ còn chưa đầy 4 tháng nữa là thi. Em chỉ mong phần tự luận tiếng Anh được ra đề theo kiểu khó dần. Mặc dù từ năm lớp 10, em dự tính sẽ thi khối B vào trường quân đội, nhưng với tình hình mới, em phải bổ sung thêm khối D, cho dù chưa biết chọn ngành và trường nào”.

Nhiều hình thức tư vấn

Kỳ thi mới với 2 mục đích khiến nhiều HS cũng như phụ huynh và nhà trường “đứng ngồi không yên”, thậm chí có em “mất ăn mất ngủ” vì lo. Hiện nay, các em rất muốn xác định rõ mình sẽ thi ở đâu; việc đi lại, ăn ở trong mấy ngày thi ra sao; chỉ thi tốt nghiệp hay thi tốt nghiệp và xét tuyển ĐH… Trong khi nhiều em có học lực trung bình không biết chọn môn nào để thi tốt nghiệp và xét tuyển ĐH, thì nhiều HS học lực khá dự tính chỉ thi tốt nghiệp vì… không dám thi ở cụm do trường ĐH tổ chức. Trước tình hình này, nhiều trường THPT đang tìm hướng giải quyết. Cô Nguyễn Thị Phượng - giáo viên chủ nhiệm lớp 12K, cố vấn Đoàn trường trường THPT Đa Phúc cho biết: Nhà trường đang có phương án tổ chức những buổi sinh hoạt riêng để giáo viên hướng dẫn cụ thể, phân tích chi tiết từng phương án thi cho các em HS nắm rõ. Hơn nữa, để HS có sự lựa chọn ngành và trường ĐH, CĐ phù hợp với lực học, chúng tôi sẽ tổ chức những câu lạc bộ, chương trình ngoại khóa trong giờ chào cờ, những buổi sinh hoạt riêng của lớp 12 để làm tư vấn. Đoàn trường sẽ liên hệ với Đoàn trường ĐH, CĐ để có thêm thông tin tuyển sinh, ngành đào tạo, chỉ tiêu tuyển sinh, ra trường làm gì… để cung cấp cho các em.

Với một kỳ thi mang 2 mục đích, chương trình tư vấn hướng nghiệp và tuyển sinh ĐH, CĐ của Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên Hà Nội cũng có thay đổi cho phù hợp, góp phần giải tỏa khúc mắc cho TS. Bà Nguyễn Thị Ngọc Trinh - Giám đốc Trung tâm cho biết: “Chúng tôi cung cấp cho các em hành trang để hiểu mình, hiểu nghề, xác định mục tiêu cũng như nhu cầu đào tạo và thị trường tuyển dụng lao động trong giai đoạn mới, để các em chọn cho mình hướng đi đúng nhất sau khi tốt nghiệp THPT. Còn nội dung về tư vấn công tác tuyển sinh chuyên sâu, Trung tâm sẽ dành cho các trường ĐH, CĐ khi phối hợp tham gia tư vấn”. Để hoạt động tư vấn hướng nghiệp đạt hiệu quả, Trung tâm sử dụng chuyên gia tư vấn có kỹ năng. Theo kế hoạch, từ nay đến kỳ thi THPT quốc gia, Trung tâm sẽ tổ chức 25 buổi tư vấn cho khoảng 25.000 lượt HS lớp 12 ở các quận, huyện đã đăng ký.