Thiếu chặt chẽ
Mới đây, vụ việc 80 con lợn gắn mác VietGAP có nguồn gốc từ một trại nuôi ở Đồng Nai bị Chi cục Thú y TP Hồ Chí Minh phát hiện nhiễm chất cấm Salbutamol đã khiến dư luận thực sự hoang mang. Bởi lâu nay, VietGAP vẫn được coi như một tiêu chuẩn chất lượng khá uy tín đối với sản xuất nông nghiệp trong nước. Khi được hỏi về “sự cố” trên, bà Nguyễn Thu Thủy – Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) lại “đẩy” câu trả lời sang cho Cục Chăn nuôi. “Cục Thú y chỉ kiểm soát từ khi lợn được xuất chuồng đến lò mổ. Theo quy định, nếu phát hiện lợn nhiễm chất cấm thì sẽ tiêu hủy” – bà Thủy cho hay.
Đi tìm câu trả lời từ phía Cục Chăn nuôi, ông Nguyễn Văn Trọng – Phó Cục trưởng cho biết, hiện toàn quốc có khoảng hơn 100 trang trại chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP, cao điểm nhất có 150 trang trại. Ngoài ra, Dự án cạnh tranh ngành chăn nuôi và ATTP (Lifsap) đã triển khai thí điểm tại 12 tỉnh, TP với hơn 9.000 hộ chăn nuôi được chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP nông hộ. Theo ông Trọng, đối với các trang trại VietGAP, qua kiểm tra, theo dõi thực tế chưa phát hiện vi phạm về chất lượng. Tuy nhiên, chăn nuôi VietGAP nông hộ do địa phương chứng nhận, có thể do hậu kiểm của cấp cơ sở chưa chặt chẽ dẫn tới lợn tiêu chuẩn VietGAP vẫn nhiễm Salbutamol.
Rõ ràng, việc quản lý tiêu chuẩn VietGAP trong chăn nuôi vẫn còn những bất cập nhất định. Việc kiểm tra, giám sát ở cấp địa phương còn lơi là, xem nhẹ nên chất lượng sản phẩm sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP chưa đảm bảo ATTP. Không chỉ riêng chăn nuôi, trong lĩnh vực trồng trọt, việc quản lý theo tiêu chuẩn VietGAP cũng đang bộc lộ nhiều hạn chế. Số liệu từ Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho thấy, diện tích trồng trọt trên cả nước áp dụng theo tiêu chuẩn VietGAP hiện là 25.000ha. Việc mở rộng diện tích áp dụng quy trình VietGAP diễn ra khá chậm, gặp nhiều khó khăn do chi phí trả cho tổ chức chứng nhận VietGAP còn cao. Thậm chí, trong bối cảnh sản phẩm làm theo VietGAP bán ra không cao hơn so với sản phẩm thông thường khiến cho người dân không mặn mà với VietGAP.
Điều chỉnh bất cập
Có một thực tế là thủ tục chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đối với rau, quả tươi theo Quyết định số 379/QĐ-BNN-KHCN ngày 28/1/2008 của Bộ NN&PTNT còn phức tạp, rườm rà. Nhiều địa phương, trong đó có Hà Nội cho rằng việc tồn tại cả “rừng” tiêu chuẩn VietGAP khiến cho người nông dân chưa thể áp dụng được ngay. Điều này vừa khiến cho việc mở rộng vùng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP thực sự rất khó khăn, vừa gây trở ngại đối với công tác quản lý. Để giải quyết những khó khăn trước mắt trong chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP, Cục Trồng trọt đã điều chỉnh lại theo hướng giảm chỉ còn 19 chỉ tiêu để kiểm tra, đánh giá (so với 65 chỉ tiêu trước đây) và trình Bộ NN&PTNT xem xét, quyết định.
Đối với chăn nuôi, việc cấp giấy chứng nhận VietGAP đã có sự tham gia của tổ chức thứ ba mang tính độc lập. Đi cùng với yếu tố khách quan, thực tế này cũng đang đặt ra vấn đề phải xem xét, hậu kiểm lại việc cấp giấy chứng nhận VietGAP của các tổ chức này một cách chặt chẽ, tránh tình trạng “mua – bán” giấy chứng nhận VietGAP. Đồng thời, xem xét lại toàn bộ quá trình sản xuất từ chăn nuôi cho đến khâu vận chuyển, thu mua, chế biến, giết mổ. Nói như Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám, có thể cơ sở chăn nuôi đảm bảo tiêu chuẩn VietGAP nhưng cơ sở thu gom về trong thời gian vỗ béo đã đưa chất cấm vào thức ăn cho lợn. Bài học từ việc TP Hồ Chí Minh phát hiện 80 con lợn VietGAP nhiễm chất cấm đã cho thấy, chỉ có làm tốt công tác hậu kiểm mới kiểm soát chặt chẽ được chất lượng nông sản thực phẩm trước khi đưa sản phẩm ra thị trường tới tay người tiêu dùng.
Lãnh đạo Bộ NN&PTNT cũng cho biết thêm, Bộ đã chỉ đạo các đơn vị liên quan rà soát, điều chỉnh, bổ sung lại tiêu chí VietGAP cho phù hợp với tình hình thực tế. Hiện nay, Cục Trồng trọt đang xây dựng tiêu chuẩn VietGAP của riêng Việt Nam, dự kiến cuối năm 2016 hoặc chậm nhất là đầu năm 2017 sẽ gửi sang Bộ KH&CN xem xét, công bố.
Vùng sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức. Ảnh: Quang Thiện
|
Để sản phẩm VietGAP “sống khỏe” thì ngoài việc tháo gỡ những khó khăn, điều quan trọng là sản phẩm phải được đánh giá đúng mức, xứng đáng với giá trị và giá bán ra đảm bảo có lãi. Ông Nguyễn Như Cường - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt |