"Việc lắp đặt thiết bị tách dầu mỡ là hết sức cần thiết nhằm bảo vệ, giữ gìn môi trường sống trên địa bàn Thủ đô. Hạn chế lượng dầu, mỡ xả vào hệ thống thoát nước chung cũng là nỗ lực nhằm ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng úng ngập cục bộ, nguy cơ ô nhiễm môi trường, qua đó góp phần cải thiện chất lượng nước của các sông, hồ trên địa bàn Hà Nội." - Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội Võ Tiến Hùng Dầu mỡ khoáng thải ra môi trường có chứa nhiều chất gây ung thư như benzen, ethylbenzene, toluene, styren… Các chất này ảnh hưởng đến hệ thần kinh gây đau đầu, chóng mặt. Những người tiếp xúc thường xuyên với dầu mỡ có thể mắc các bệnh về đường hô hấp như mũi, họng… Để từng bước nâng cao hiểu biết và cải thiện ý thức bảo vệ môi trường, UBND TP Hà Nội đã ban hành Văn bản số 510/UBND-ĐT chỉ đạo Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội phối hợp chặt chẽ cùng các sở, ngành và địa phương đẩy nhanh quá trình lắp đặt thiết bị tách lọc dầu mỡ khỏi nước thải trên địa bàn toàn TP. |
Loay hoay xử lý dầu mỡ tại nguồn
Kinhtedothi - Việc ngăn chặn các loại dầu mỡ từ nhà hàng, cơ sở kinh doanh ăn uống, xưởng sửa chữa ô tô, xe máy… chưa qua xử lý chảy thẳng ra môi trường là một trong những nhiệm vụ quan trọng, mang tính dài hơi trong chiến lược bảo vệ môi trường trên địa bàn Hà Nội. Song thực tế, việc thực hiện vẫn đang loay hoay do thiếu cơ chế để triển khai đại trà.
Phần nổi của tảng băng chìm
Theo thống kê của Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội, tại các quận nội thành có khoảng 4.000 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống với quy mô khác nhau và hơn 2.000 cơ sở sửa chữa, bảo dưỡng, rửa xe, kinh doanh xăng dầu…
Hàng ngày, những cơ sở này đang xả một lượng lớn chất thải là dầu mỡ chưa qua xử lý ra môi trường thông qua hệ thống thoát nước. Với đặc tính nhẹ hơn nước, không tan trong nước, có độ kết dính cao nên khi xả ra cống thoát nước sẽ bám dính, tích tụ và đóng khối trong đường ống gây tắc nghẽn dẫn tới úng ngập. Quá trình vệ sinh đường ống trong các trường hợp này rất phức tạp và tốn kém.
Mặt khác, khi nước thải chứa dầu mỡ chảy ra sông, hồ sẽ kết dính tạo thành các mảng lớn làm mất mỹ quan, cản trở quá trình làm thoáng mặt nước, một phần ngấm vào đất, gây ô nhiễm môi trường nước mặt, đất và nước ngầm.
Theo kết quả khảo sát, quan trắc, phân tích chất lượng nước thải của Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội tại một số cơ sở sản xuất, kinh doanh cho thấy, mức độ ô nhiễm dầu mỡ động thực vật từ 123 - 39.168mg/l, cao hơn Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước thải sinh hoạt gấp hàng chục đến hàng nghìn lần (QCVN 14: 2008/BTNMT cột B < 20mg/l). Đặc biệt, kết quả phân tích còn cho thấy, chất lượng nước trên 4 con sông Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét và 13 hồ điều hòa của TP đều có tình trạng ô nhiễm dầu mỡ gấp 2 - 3 lần Quy chuẩn.
Mặc dù những nguy hại của dầu, mỡ với môi trường sống, hệ thống thoát nước đã được chỉ rõ, song việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn vẫn chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Bởi theo thống kê của Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội, hiện mới có trên 120 cơ sở kinh doanh dịch vụ gồm nhà hàng, bếp ăn tập thể của các cơ quan, trường học, cơ sở sửa chữa, bảo dưỡng xe… và khoảng 250 hộ gia đình, hộ kinh doanh nhỏ lẻ đã lắp đặt thiết bị tách dầu mỡ, góp phần loại bỏ dầu mỡ ngay tại nguồn phát sinh. Đây là một con số quá ít so với số lượng các nhà hàng, cơ sở kinh doanh, xưởng sửa chữa… có phát sinh dầu, mỡ trên địa bàn TP.
Thiếu cơ chế, chế tài
Theo ông Đỗ Thanh Tùng - Phó Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai, trên địa bàn quận có nhiều nhà hàng, cơ sở chế biến thực phẩm, bếp ăn của các cơ quan, trường học… đang xả nước thải trực tiếp ra hệ thống thoát nước chung của TP. Nước thải này có chứa hàm lượng dầu, mỡ cao, gây úng ngập cục bộ và ô nhiễm môi trường nước.
Thời gian qua, quận đã phối hợp với Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội thí điểm việc lắp đặt thiết bị tách dầu mỡ từ nguồn nước thải tại một số nhà hàng, điểm kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn. Qua đánh giá bước đầu, thiết bị này đã phát huy tốt hiệu quả, góp phần quan trọng trong việc tách, giữ dầu mỡ trong nguồn nước thải, giúp bảo vệ môi trường.Lãnh đạo quận Long Biên cũng thông tin, thời gian qua, quận đã phối hợp với Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội tổ chức nhiều đợt tuyên truyền triển khai ứng dụng lắp đặt thiết bị tách dầu mỡ từ nước thải trên địa bàn. Sau thời gian khảo sát, đã có nhiều nhà hàng lớn trên địa bàn quận tiến hành lắp đặt thiết bị tách lọc dầu mỡ khỏi nguồn xả thải.
Không chỉ các nhà hàng, nhiều cơ sở kinh doanh dư thừa một lượng dầu thải lớn ý thức được vấn đề bảo vệ môi trường. Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, đại diện xưởng bảo dưỡng, sửa chữa của Công ty Huyndai Thành Công tại số 10 phố Trung Kính, phường Trung Hòa (quận Cầu Giấy) chia sẻ, ban đầu khi cơ sở mới chuyển về đây hoạt động, công ty luôn trăn trở trước vấn đề dầu mỡ phát sinh chưa qua xử lý chảy vào hệ thống cống thoát nước của khu dân cư, hệ thống thoát nước chung của TP và tìm hướng giải quyết.
Sau một thời gian tìm hiểu, được giới thiệu, đơn vị đã phối hợp với Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội tổ chức lắp đặt hệ thống tách dầu mỡ ngay tại nguồn… Nhờ đó đến nay, chất lượng nước thải trước khi chảy vào hệ thống thoát nước đã được bảo đảm theo đúng quy định.
Có thể nói, việc lắp đặt hệ thống tách dầu mỡ tại các cơ sở kinh doanh mang lại nhiều hiệu quả đối với việc bảo vệ môi trường sống. Tuy nhiên, làm thế nào để biện pháp này triển khai rộng rãi ở các cơ sở kinh doanh, nhà hàng, xưởng sản xuất là điều không đơn giản. Đại diện một số cửa hàng kinh doanh hàng ăn uống trên địa bàn quận Đống Đa chia sẻ, hiện nay, kinh phí lắp đặt hệ thống tách dầu mỡ dao động 50 – 60 triệu đồng. Đây là một khoảng tiền lớn đối với các cơ sở kinh doanh nhỏ. Vì thế, dù biết là cần thiết nhưng do kinh doanh buôn bán bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên phần lớn cơ sở vẫn chần chừ, thoái thác.
Trong khi đó, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội Võ Tiến Hùng cho biết, sở dĩ số lượng các cơ sở kinh doanh, nhà hàng, xưởng sửa chữa… lắp đặt hệ thống tách dầu, mỡ còn hạn chế là do chưa có chế tài và quy định bắt buộc phải lắp đặt. Hiện nay, tất cả mới chỉ dừng lại ở việc vận động, phát huy tinh thần, ý thức bảo vệ môi trường của mỗi người dân, cơ sở kinh doanh. Do đó, ông Võ Tiến Hùng cho rằng, để công tác tách dầu mỡ khỏi nguồn thải được triển khải hiệu quả, cần có những chế tài cụ thể nhằm hạn chế việc xả thải trực tiếp ra môi trường.
Đồng quan điểm, một số chuyên gia cho rằng, bên cạnh việc xây dựng chế tài, cần sớm đưa quy định lắp đặt hệ thống tách dầu mỡ trở thành một trong những điều kiện bắt buộc trong hoạt động kinh doanh dịch vụ, bếp ăn tập thể... Đặc biệt, UBND TP Hà Nội nên có chính sách hỗ trợ về giá, cơ chế đối với những đơn vị tổ chức lắp đặt. Từ đó, mới nhân rộng việc triển khai thực hiện, góp phần bảo đảm vệ sinh môi trường, chống úng ngập cục bộ trên địa bàn TP.