Kinhtedothi - Hà Nội là một trong những trung tâm sản xuất và thương mại lớn của đất nước, thế nhưng việc cung ứng dịch vụ logistics của doanh nghiệp (DN) Hà Nội chỉ khai thác một phần nhỏ tổng khối lượng hàng hóa, còn lại các DN nước ngoài chiếm lĩnh. Đó là ý kiến của các đại biểu tại Hội nghị "Thực trạng và giải pháp phát triển dịch vụ logistics" do Sở Công Thương Hà Nội tổ chức ngày 27/8.
Làm thuê trên sân nhà
Báo cáo của Sở KH&ĐT Hà Nội cho thấy, hiện trên địa bàn TP có 100 DN logistics (quá trình lên kế hoạch, áp dụng và kiểm soát các luồng chuyển dịch hàng hóa hay thông tin liên quan nguyên nhiên liệu vật tư và sản phẩm cuối cùng từ điểm xuất phát tới điểm tiêu thụ), trong đó có đến 80% là DN vừa và nhỏ với số vốn đăng ký bình quân chỉ khoảng 8 tỷ đồng, thậm chí có DN chỉ có vốn điều lệ 500 triệu đồng. Do vốn đầu tư không nhiều nên hiện các DN logistics trong nước chỉ cung cấp được những dịch vụ đơn giản. Còn DN nước ngoài chỉ chiếm 2% số lượng nhưng thị phần cung cấp dịch vụ logistics lên đến 80%. Nguyên nhân là do hầu hết các DN trong nước chưa có đại lý ở nước ngoài nên bị hạn chế trong hoạt động cung cấp dịch vụ. Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết: Đây cũng là nguyên nhân khiến DN logistics trong nước chưa tìm được tiếng nói chung cũng như tạo sự gắn kết với các DN xuất, nhập khẩu. Chính vì thế, DN hoạt động xuất, nhập khẩu phải chi trả cho hoạt động logistics tại Việt Nam cao hơn 1 - 1,5 lần so với các nước trong khu vực.
Ngoài ra, những tồn tại của hoạt động logistics còn do thể chế và khung pháp lý về lĩnh vực dịch vụ này rất phức tạp và thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan. Trong khi đó, nhiều DN xuất nhập khẩu vẫn còn tập quán giao hàng lên tàu là hết trách nhiệm, phó thác cho DN nước ngoài quyền chủ động sử dụng dịch vụ logistics. Tuy nhiên, do cơ sở hạ tầng, đặc biệt là giao thông đường bộ yếu kém, chưa được đầu tư đúng tầm cũng là tác nhân khiến dịch vụ logistics trong nước chậm phát triển. Một nguyên nhân khác phải kể đến đó là, DN nước ngoài hoạt động tại các khu công nghiệp thường có xu hướng sử dụng dịch vụ logistics của các công ty nước họ cũng là nguyên nhân khiến DN logistics nước ngoài chiếm thị phần.
Cần “cú huých” từ cơ chế
Để các DN trong nước hoạt động trong lĩnh vực logistics thoát cảnh "làm thuê" cho DN nước ngoài, bên cạnh sự cố gắng của bản thân, DN cũng rất cần "cú huých" từ phía Nhà nước. Theo ông Nguyễn Tường - Trưởng văn phòng đại diện Hiệp hội DN dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) tại Hà Nội: Điều cấp thiết hiện nay là phải có một tổ chức liên ngành do UBND TP Hà Nội quản lý, chỉ đạo thống nhất các hoạt động của ngành logistics. Đây cũng là cơ sở để từ đó hình thành cầu nối giữa DN và Nhà nước trong việc hoạch định chiến lược, chính sách phát triển ngành logistics, gắn liền với sản xuất, xuất nhập khẩu.
Việc giảm chi phí cũng là vấn đề được nhiều DN hoạt động trong dịch vụ logistics có chung kiến nghị: Thời gian tới, UBND TP cần đẩy mạnh việc xây dựng đề án phát triển ngành logistics của Hà Nội đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Tuy nhiên, để hoạt động logistics phát triển, bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước thì giữa các DN logistics cũng cần tăng cường sự liên kết với nhau và với DN xuất khẩu. Chính bản thân các DN xuất, nhập khẩu cũng cần nhận thức các lợi ích trong việc thay đổi tập quán mua bán truyền thống, trong quá trình ký kết hợp đồng xuất, nhập khẩu nên giành quyền vận tải để giảm chi phí, từ đó tạo ra thế cạnh tranh giá trị gia tăng trong chuỗi cung ứng của mình.
Với sự chuyển biến về nhận thức cũng như quá trình đẩy mạnh đầu tư trong việc phát triển dịch vụ logistics của UBND TP và sự vươn lên từ phía DN sẽ tạo điều kiện cho Hà Nội trở thành một trung tâm logistics của cả nước và khu vực.
Cần hỗ trợ ngành logictisc Việt Nam phát triển, giảm phụ thuộc vào doanh nghiệp nước ngoài. Trong ảnh: Vận chuyển hàng hóa tại cảng Đình Vũ. Ảnh: Hoài Nam
|