Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lỗi của ai?

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khi vụ giáo viên trường THCS Duy Ninh (huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) phạt tát một học sinh khiến xã hội chưa ngớt bức xúc, thì cuối tuần qua dư luận lại bàng hoàng trước việc bé trai 4 tuổi ở trường Mầm non B Trực Đại (huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định) bị cô giáo buộc dây vào người treo lên cửa sổ.

 Sự việc xảy ra ở trường Mầm non B Trực Đại (huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định)
Sau khi tìm hiểu sự việc, mọi người được biết, cháu bé tên Nguyễn Tài Phát, 4 tuổi bị rối loạn phổ tự kỷ, chậm phát triển trí tuệ. Để đảm bảo an toàn cho các bạn trong lớp khi hành động phá phĩnh, cắn bạn của Phát, hai cô giáo buộc dây đành tìm giải pháp tình thế, buộc dây vào người em và treo lên cửa sổ. PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT đặt câu hỏi: "Nếu chẳng may đứa trẻ bị rơi xuống nền nhà và chết thì ai chịu trách nhiệm?”. Nhưng, ông Nhĩ cũng cảm thông cho hai cô giáo, bởi lỗi của các cô không phải ở động cơ mà ở thiếu phương pháp giáo dục riêng cho trẻ tự kỷ. Và lỗi chính để xảy ra sự việc này là Hiệu trưởng trường Mầm non B Trực Đại, dù biết Phát bị tự kỷ ở thể nặng nhưng vẫn xếp em bé vào lớp học bình thường. 
Trẻ tự kỷ, nhất là trẻ tự kỷ nặng, muốn hòa nhập cộng đồng thì phải có ý kiến chỉ đạo của người làm chuyên môn, chứ không phải tự ý cho vào học chung lớp với trẻ phát triển bình thường. Trong trường hợp, đứa trẻ bị tự kỷ nặng, nhà trường có thể cho bé đến lớp học chơi một lúc, để những bạn phát triển bình thường được thể hiện tình cảm yêu thương với người đồng trang lứa nhưng khuyết tật, cuộc sống khó khăn. Điều kiện thứ hai không kém phần quan trọng, đó là những người làm công tác giáo dục trẻ khuyết tật phải được huấn luyện, đào tạo, có chuyên môn. Trường hợp hai cô giáo ở trường Mầm non B Trực Đại không được đào tạo ở khoa Giáo dục đặc biệt trong trường sư phạm, nên cũng chỉ nghĩ ra được cách buộc dây giữ học trò để lớp học yên ổn.

Xã hội hiện đại, số trẻ rối loạn phổ tự kỷ ngày càng gia tăng. Vì thế, tới đây, Bộ GD&ĐT nên chú ý đến vấn đề này, đưa thêm vào chương trình ngành Giáo dục đặc biệt ở các trường sư phạm nội dung đào tạo trẻ tự kỷ. Hiện nay, do Nhà nước chưa có điều kiện đầu tư thành lập đủ những cơ sở công lập dạy trẻ khuyết tật với nhiều nhóm, dạng khác nhau trong đó có trẻ tự kỷ số lượng ngày càng gia tăng. Do vậy, nhiều giáo sinh tốt nghiệp ngành Giáo dục đặc biệt chỉ có thể làm ở các cơ sở ngoài công lập. Nên chăng, Nhà nước thực hiện chính sách công - tư, hỗ trợ về đào tạo giáo viên, kinh phí, trang thiết bị... cho những cơ sở tư chuyên biệt đào tạo trẻ tự kỷ có chất lượng? Qua đó, các bé có cơ hội và điều kiện được học hành kết hợp điều trị, giáo dục nghề nghiệp để hòa nhập cộng đồng.