Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lợi dụng xây nhà giãn dân phố cổ: Huy động vốn trái phép

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Chỉ được UBND quận Hoàn Kiếm giao nhiệm vụ nghiên cứu, lập dự án xây dựng khu nhà ở phục vụ giãn dân phố cổ. Thế nhưng, Công ty CP Vật liệu xây dựng - Xuất nhập khẩu Hồng Hà (Công ty Hồng Hà) trụ sở 109 Trường Chinh, đã bán nhà bằng hình thức góp vốn khi chưa có quyết định xây dựng, nhằm trục lợi trái phép.

Khách hàng ăn “bánh vẽ”

Như Kinh tế & Đô thị đã thông tin, đầu tháng 9/2012, nhiều người mua nhà giãn dân phố cổ của Công ty Hồng Hà đã tập trung tại trụ sở đơn vị này đòi trả lại tiền góp vốn mua nhà đã đóng từ năm 2010, nhưng đến nay dự án chưa khởi động. 

Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Hồng Sơn (khách hàng) cho biết, năm 2011, thông qua sàn giao dịch bất động sản (BĐS), ông mua 1 căn hộ thuộc dự án giãn dân phố cổ. Thời điểm đó, sàn giao dịch đưa ra Quyết định 1917/QĐ - UBND quận Hoàn Kiếm giao Công ty Hồng Hà  thu xếp nguồn vốn để xây dựng dự án. Trong hợp đồng, Công ty Hồng Hà cam kết thời gian bàn giao nhà dự kiến từ 24 đến 30 tháng. Nếu trong quý II/2011, Công ty Hồng Hà không tiến hành khởi công dự án thì bên góp vốn được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng; Đồng thời, công ty hoàn lại số tiền đã góp cùng với lãi suất 3%. Nhưng đến nay, dự án chưa được khởi công, ông đã quyết định xin rút vốn nhưng vẫn chưa nhận được tiền. Ông Sơn không phải là khách hàng duy nhất mua căn hộ của Công ty Hồng Hà mà đã có hàng chục người ký hợp đồng góp vốn, với số tiền ít nhất là 500 - 600 triệu đồng.

Lợi dụng xây nhà giãn dân phố cổ: Huy động vốn trái phép - Ảnh 1
Hàng Ngang - một trong những phố nằm trong phạm vi dự án giãn dân phố cổ.
Ảnh: Linh Anh

Qua tìm hiểu, để có thể huy động được nhiều người góp vốn mua nhà, Công ty Hồng Hà không đứng ra bán mà ký với một số chủ đầu tư thứ cấp hợp đồng mua căn hộ, sau đó thông qua sàn giao dịch BĐS để bán các căn hộ thuộc dự án giãn dân phố cổ với giá từ 14,5 - 15 triệu đồng/m2 và phải trả thêm số tiền chênh từ 600.000 - 1,5 triệu đồng/căn cho các sàn giao dịch BĐS này. Với mức giá thấp hơn rất nhiều so với giá thị trường thời điểm giữa năm 2011, nên rất nhiều người đã chấp nhận nộp tiền góp vốn thông qua sàn.

Sau gần 2 năm giao vốn, người mua không nhận được nhà theo hợp đồng, nhưng khi đòi tiền, Công ty Hồng Hà tìm mọi cách "hoãn binh". Đầu tiên, ông Phan Văn Mai, Phó Ban dự án khu đô thị giãn dân phố cổ của Công ty Hồng Hà hẹn sau 30 ngày sẽ thanh lý hợp đồng và hoàn lại tiền nhưng rút cục công ty đã không giải quyết. Hỏi Tổng Giám đốc Công ty Hồng Hà Trần Ứng Thanh nói đã ủy quyền giải quyết cho Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Quốc Xương nhưng ông Xương khẳng định phải chờ ông Thanh - chủ tài khoản của công ty quyết định! Người góp vốn tiếp tục phải chờ.

Chưa được giao đất 

Theo quy hoạch của UBND TP Hà Nội, khu đất tại KĐT mới Việt Hưng được sử dụng vào mục đích xây dựng chung cư, phục vụ công tác giãn dân phố cổ và giao cho quận Hoàn Kiếm làm chủ đầu tư. Nhưng do nguồn vốn thực hiện dự án quá lớn lên đến 4.000 tỷ đồng nên quận Hoàn Kiếm có chủ trương thực hiện dự án theo phương thức xã hội hóa. Để có nguồn vốn triển khai dự án, ngày 5/11/2009, quận Hoàn Kiếm ra Quyết định 3465/QĐ-UBND giao Công ty CP phát triển kinh tế Hà Nội nghiên cứu lập dự án nghiên cứu, thu xếp nguồn vốn thực hiện. Công ty này đã báo cáo việc đơn vị sẽ phối hợp với Công ty Hồng Hà và để xuất để Công ty Hồng Hà đứng tên, chịu trách nhiệm thực hiện dự án. Tháng 8/2010, quận Hoàn Kiếm ra Quyết định 1917/QĐ-UBND giao Công ty Hồng Hà "thu xếp nguồn vốn và chuẩn bị dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở phục vụ giãn dân phố cổ". Đồng thời, có Công văn số 592/CV-UBND ngày 23/8/2010, chấp thuận đề nghị của Công ty Hồng Hà được mua 50 căn hộ chung cư cao tầng để cải thiện điều kiện nhà ở của CBCNV; đồng ý về nguyên tắc cho công ty  được kinh doanh 15% căn hộ trên tổng dự án mà Công ty Hồng Hà bỏ vốn đầu tư. Thế nhưng, vin vào Quyết định 1917 của quận Hoàn Kiếm, tháng 9/2010 Công ty Hồng Hà đã tiến hành rao bán căn hộ và đến tháng 4/2011 tiến hành ký các hợp đồng góp vốn với các nhà đầu tư. Phát hiện hành vi sai trái này, UBND quận Hoàn Kiếm đã yêu cầu Công ty Hồng Hà chấm dứt ngay việc mua bán trên. Trao đổi với chúng tôi, ông Lâm Quốc Hùng, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm khẳng định: Cả 2 quyết định và công văn trên chỉ là cơ sở để Công ty Hồng Hà nghiên cứu chuẩn bị lập dự án và phải trình UBND TP Hà Nội xem xét phê duyệt mới được triển khai. 

Ngày 9/9/2010, Công ty Hồng Hà đã có Công văn cam kết không có việc rao bán các căn hộ trong dự án. Tuy nhiên, sự việc vẫn tiếp diễn và có chiều hướng phức tạp nên ngày 22/4/2011, quận Hoàn Kiếm có Văn bản số 295/UBND-KT gửi Công ty Hồng Hà thông báo hủy Công văn 592 và khẳng định mọi hành vi mua bán, chuyển nhượng các căn hộ liên quan đến dự án khu nhà ở phục vụ giãn dân phố cổ tại KĐT Việt Hưng là trái quy định và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Tuy nhiên, những thông tin này đã được Công ty Hồng Hà giấu kín và vẫn tiếp tục huy động vốn của hàng trăm khách hàng. Điều đáng tiếc, khi sự việc bị phanh phui, nhà đầu tư biết sự thật đã quá muộn.

Hiện, UBND quận Hoàn Kiếm đang phối hợp chặt chẽ với Công an TP Hà Nội làm rõ hành vi vi phạm của Công ty Hồng Hà. Báo Kinh tế & Đô thị sẽ thông tin tới bạn đọc những diễn biến mới về vụ việc này.