Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lợi nhuận của Google sụt giảm khiến chứng khoán Mỹ quay đầu giảm điểm

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Hôm qua 18/10, cổ phiếu của Google giảm mạnh nhất trong số các mã giao dịch thuộc chỉ số S&P 500 và ảnh hưởng nặng nề đến các cổ phiếu công nghệ khác. Chỉ số S&P 500 lĩnh vực công nghệ thông tin giảm tới 1,53% trong ngày.

Lợi nhuận của Google sụt giảm khiến chứng khoán Mỹ quay đầu giảm điểm - Ảnh 1

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Đêm 18/10 tại Phố Wall, chứng khoán Mỹ có một phiên đỏ sàn khi nhà đầu tư đón nhận thông tin lợi nhuận quý 3 của hãng Google sụt giảm bất ngờ, khiến cổ phiếu của hãng này đóng cửa lao dốc tới 8% (trước đó còn có lúc tụt tới 10% giá trị), kéo theo chỉ số công nghệ Nasdaq lùi 31,25 điểm (1,01%) về 3.072,87 điểm.

Cổ phiếu của Google giảm tới 8%, mức giảm trong ngày tồi tệ nhất của cổ phiếu này kể từ phiên 20/1 tới nay, xuống còn 695 USD. Hãng công nghệ này trước đó cho biết doanh thu và lợi nhuận quý 3 đều không đạt kỳ vọng.

Trong khi đó, cổ phiếu của tập đoàn IBM tiếp tục là gánh nặng lớn đối với chỉ số công nghiệp Dow Jones. Phiên 17/10, IBM cũng công bố lợi nhuận quý 3 không đạt dự báo của giới phân tích. Phiên hôm qua, cổ phiếu này hạ 2,8%.

Tuy nhiên, do không "chứa" cổ phiếu của Google nên Dow Jones Industrial Average vẫn đứng khá vững và chỉ mất nhẹ 8,06 điểm (0,06%) xuống 13.548,94 điểm.

S&P 500 cũng phần nào bị ảnh hưởng từ kết quả kinh doanh tồi hơn dự kiến của Google, nên cũng giảm nhẹ 3,57 điểm (0,24%) xuống 1.457,34 điểm. Báo cáo của Google cho biết, đại gia về mạng và quảng cáo này chỉ đạt lợi nhuận ròng 2,18 tỷ USD trong quý 3, so với 2,73 tỷ euro của cùng kỳ năm ngoái.

Các chuyên gia phân tích cho rằng, thị trường chứng khoán Mỹ hôm qua đã bị nhóm cổ phiếu công nghệ làm cho rung lắc dữ dội. Điều này cũng phù hợp với những nhận định trước đó về mùa lợi nhuận quý 3 không lạc quan.

Khối lượng giao dịch toàn thị trường bùng nổ với 6,9 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng trên cả ba sàn New York, American và Nasdaq, cao hơn mức giao dịch trung bình hàng ngày 6,52 tỷ cổ phiếu từ đầu năm 2012 cho tới nay.

Số cổ phiếu giảm điểm trội hơn số tăng điểm trên sàn giao dịch New York, với tỷ lệ 15/14, còn ở sàn Nasdaq là 2/1.

Bên kia bờ Đại Tấy Dương, chứng khoán châu Âu khép phiên trong màu xanh, đánh dấu phiên đi lên liên tiếp thứ tư của chứng khoán khu vực này, nhờ niềm tin ngày càng gia tăng vào triển vọng kinh tế của khu vực, đặc biệt là vào thời điểm trước khi Hội nghị thượng đỉnh EU diễn ra tại Brussels trong hai ngày 18 và 19/10.

Những cải thiện trong lĩnh vực tài chính của Tây Ban Nha cũng giúp tâm lý nhà đầu tư trở nên vững vàng hơn.

Đóng cửa phiên 18/10, cả ba chỉ số chính của châu Âu đều tăng điểm, trong đó FTSE 100 của Anh tăng 0,10% lên 5.917,05 điểm; DAX 30 của Đức tiến 0,58% lên 7.437,23 điểm và CAC 40 của Pari nhảy 0,22% lên 3.535,18 điểm.

Chứng khoán châu Á mở cửa phiên 19/10 biến động không đồng nhất, với Shanghai Composite của Trung Quốc tăng 0,18% (3,84 điểm); Hang Seng của Hong Kong tăng 0,22%, nhưng Nikkei 225 của Nhật Bản lại giảm 0,43%.

Nguyên nhân của sự tăng giảm trái chiều trên các thị trường là tại Trung Quốc và Hong Kong, nhà đầu tư phấn khởi trước các số liệu kinh tế tích cực trong tháng Chín của Trung Quốc vừa được công bố, qua đó cho thấy tốc độ tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang có những dấu hiệu được cải thiện.