Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán: Kẻ khóc, người cười

Đinh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mùa công bố báo cáo tài chính năm 2018 của các DN sắp kết thúc, bức tranh tài chính của các DN niêm yết đã lộ diện. Trong khi một số “ông lớn” hoan hỉ với con số lợi nhuận hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn tỷ đồng thì nhiều DN vẫn ngậm ngùi với thua lỗ trăm tỷ đồng.

Theo báo cáo tài chính tự lập của các DN, Vietcombank tiếp tục giữ phong độ với lợi nhuận hàng nghìn tỷ đồng. Ảnh: Thanh Hải
Bức tranh tương phản
Theo báo cáo tài chính tự lập của các DN, hàng loạt cái tên như Vinhomes, Vinamilk, Vietcombank, Techcombank, VPBank… tiếp tục giữ phong độ với lợi nhuận “khủng” hàng nghìn tỷ đồng. Cụ thể, năm 2018, lợi nhuận trước thuế của Vingroup đạt 13.814 tỷ đồng, tăng 52% so với năm 2017 cho thấy các mảng kinh doanh tiếp tục mang lại kết quả tốt. Lợi nhuận sau thuế 6.061 tỷ đồng, tăng 7% so với năm 2017. Khối ngân hàng tiếp tục ghi nhận hàng loạt gương mặt với kết quả kinh doanh khả quan. Quán quân lợi nhuận ngân hàng thuộc về Vietcombank với hơn 18.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế năm 2018. Xếp thứ hai là Techcombank đạt lợi nhuận tới gần 10.700 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu của ngân hàng này đạt 52.000 tỷ đồng, cao nhất trong nhóm ngân hàng tư nhân. VPBank tiếp tục khẳng định vị thế là ngân hàng hoạt động hiệu quả nhất với lợi nhuận trước thuế hợp nhất hơn 9.200 tỷ đồng năm 2018.

Trong khối DN thực phẩm, Vinamilk tiếp tục là cái tên quen thuộc trong top các ông lớn lãi nghìn tỷ. Theo công bố DN này gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE), lợi nhuận trước thuế của công ty đạt 2.668 tỷ đồng, tăng 27,9% so với cùng kỳ một năm trước đó. Lợi nhuận sau thuế của Vinamilk đạt 2.277 tỷ đồng, tăng trưởng 30,5% so với quý IV/2017.

Trong khi các DN lớn hoan hỉ thông báo kết quả kinh doanh tốt thì nhiều DN vẫn ngậm ngùi với mức lỗ nặng hoặc nhiều vấn đề tài chính chưa thể giải quyết. Công ty CP Thế giới số Trần Anh (Mã CK: TAG) vừa có giải trình cho khoản lỗ hơn 4 tỷ đồng trong kỳ báo cáo tài chính 2018. Nguyên nhân được đưa ra là do năm 2018 hoạt động kinh doanh bắt đầu khôi phục và đến quý IV, Trần Anh đã bán toàn bộ hàng hóa tồn kho, tài sản cho Thế giới Di động. Hiện, TAG chỉ thực hiện hoạt động cho thuê mặt bằng, văn phòng và thương hiệu.

Bết bát hơn cả là Tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành (mã CK: TTF) với mức thua lỗ ghi nhận gần 653 tỷ đồng, doanh thu thuần 1.028 tỷ đồng, giảm mạnh so với 1.363 tỷ đồng năm 2017. Sau TTF là Công ty CP Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (Mã CK: HNG) với con số lỗ hơn 646 tỷ đồng.

Tài chính, công nghiệp, bất động sản dẫn đầu về lợi nhuận

Theo công bố của Công ty CP Chứng khoán SSI, tính đến hết ngày 25/2/2019, đã có tổng cộng 1.005 DN công bố báo cáo tài chính quý IV/2018 (chiếm 98% vốn hóa trên 3 sàn). Tổng lợi nhuận ròng cả năm 2018 các DN công bố đạt khoảng 276,2 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 18,9% so với năm 2017. Ngành bất động sản dẫn đầu tăng trưởng lợi nhuận với mức tăng 75%. Ngành ngân hàng dù có dấu hiệu giảm tốc nhưng vẫn tăng trưởng lợi nhuận đạt 31% trong năm 2018. Tổng lợi nhuận toàn ngành đạt 68.000 tỷ đồng.

Số liệu từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) cũng cho thấy, tính đến hết tháng 2/2019, đã có 360 công ty công bố báo cáo tài chính quý IV/2018. Theo kết quả báo cáo tài chính tự lập quý IV/2018 của các DN, có 325 DN kinh doanh có lãi với tổng giá trị lãi đạt 20.946,8 tỷ đồng, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 4 quý năm 2018, tổng lợi nhuận sau thuế của các DN niêm yết HNX đạt 19.935,7 tỷ đồng, tăng 2.042,3 tỷ đồng (11,4%) so với năm 2017.

Theo thống kê, có 7/11 ngành có tổng lãi năm 2018 tăng so với năm 2017, trong đó 3 ngành có tổng lãi tăng mạnh so với năm 2017 là ngành tài chính (tăng 2.827 tỷ đồng), ngành công nghiệp (tăng 674 tỷ đồng), ngành bất động sản (tăng 256 tỷ đồng). Năm 2018, tài chính là ngành có kết quả kinh doanh tăng mạnh nhất khi tổng lợi nhuận sau thuế của các DN khối này tăng 48,7% (từ 5.824,9 tỷ đồng năm 2017 lên 8.659,3 tỷ đồng năm 2018). Những DN có kết quả kinh doanh chiếm tỷ trọng lớn nhất của ngành tài chính trong năm thuộc nhóm ngân hàng, còn một số DN thuộc nhóm chứng khoán có kết quả kinh doanh giảm so với năm 2017. Ngành bất động sản có kết quả kinh doanh tăng trưởng tốt so với năm 2017 với tổng lợi nhuận của toàn ngành trong năm 2018 tăng 35,5% so với năm 2017. Nguyên nhân là do các DN bất động sản đẩy mạnh hoạt động bán hàng hóa, tăng doanh thu và áp dụng các biện pháp cắt giảm chi phí.

Cũng theo giá trị lũy kế cả 4 quý năm 2018 của các DN niêm yết trên HNX, số DN có kết quả kinh doanh thua lỗ là 35 công ty, tăng 16,7% so với năm trước, tuy nhiên tổng lỗ năm 2018 là 1.011,1 tỷ đồng, giảm 15,3% so với năm 2017. Một số ngành lợi nhuận giảm như ngành xây dựng (giảm 1.714 tỷ đồng), ngành khai khoáng và dầu khí (giảm 394 tỷ đồng)...
Theo số liệu từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, xem xét trên tổng lợi nhuận sau thuế năm 2018 của toàn thị trường niêm yết tại HNX, ngành xây dựng là ngành có kết quả kinh doanh giảm mạnh nhất toàn thị trường so với năm 2017 khi giảm tương đương 51,1% (từ 3.380 tỷ đồng năm 2017 giảm xuống 1.642 tỷ đồng năm 2018) và có tới 40/68 DN có kết quả kinh doanh năm 2018 giảm so với năm 2017. Bên cạnh xu hướng chung về việc giảm lợi nhuận so với năm 2017 của các DN thuộc ngành xây dựng thì cũng có một số DN có lợi nhuận tăng trưởng so với năm 2017 do tăng trưởng từ hoạt động xây lắp và gia tăng khoản lợi nhuận từ hoạt động tài chính, đồng thời áp dụng chính sách tinh giảm bộ máy, tăng cường công tác quản lý và tiết kiệm chi phí của công ty...