Tín dụng kéo lùi lợi nhuận
Theo báo cáo kết quả kinh doanh quý III của Ngân hàng Đông Á (DongA Bank), đến hết tháng 9/2013, lợi nhuận sau thuế ở mức gần 400 tỷ đồng - sụt giảm 55% so với cùng kỳ. Nợ xấu tính đến ngày 30/9 là hơn 1.500 tỷ đồng, chiếm 2,93% dư nợ.
Đến hết tháng 9/2013, lợi nhuận trước thuế Saigonbank đạt 388,8 tỷ đồng, bằng 90% so với cùng kỳ năm 2012. So cùng kỳ năm 2012, mặc dù chi phí hoạt động kinh doanh của Saigonbank đã được tiết giảm 1,2%, từ 266,6 tỷ đồng xuống còn 263,3 tỷ đồng, song thu nhập thuần từ lãi giảm mạnh tới 17%, từ 763,5 tỷ đồng xuống còn 633,7 tỷ đồng; lợi nhuận thuần từ kinh doanh giảm tới 22%, còn 429 tỷ đồng.
Một số ngân hàng khác như Ngân hàng Phương Nam, Kiên Long, PGbank… cũng trong tình trạng tương tự.
Kiểm đếm tiền tại một chi nhánh MaritimeBank Hà Nội. Ảnh: Trần Việt
|
Tín dụng tăng thấp, trong khi đây vẫn là kênh chính đóng góp vào lợi nhuận ngân hàng đã khiến kết quả kinh doanh 9 tháng năm 2013 không mấy khả quan. Tại DongA Bank, tín dụng chỉ tăng trưởng trên 1% trong khi nguồn vốn huy động dân cư gửi vào vẫn tăng 17%. Tương tự, Ngân hàng Phương Nam (Southbank), vốn huy động tăng 17% nhưng vốn cho vay lại giảm 0,2% so với đầu năm. Bởi vậy, luỹ kế 9 tháng, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này chỉ ở khoảng 226,4 tỷ đồng, giảm 8% so với cùng kỳ.
Cho vay mới không tăng, nợ cũ chưa trả được cộng thêm một số món nợ mới… dẫn đến tổng nợ xấu ngân hàng quý III tăng mạnh. Là một trong số các ngân hàng có mức lợi nhuận thấp so với cùng kỳ năm trước nhưng con số nợ xấu của Sacombank vẫn tăng. Lợi nhuận trước thuế đạt hơn 1.217 tỷ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng nợ xấu của ngân hàng này là 2,52%, tăng 0,47% so với đầu năm là 2,05%.
Nan giải bài toán tín dụng
Một trong những mục tiêu lớn mà hệ thống ngân hàng đang quyết tâm thực hiện là đảm bảo tăng trưởng tín dụng cả năm ở mức 12%.
Báo cáo trước Quốc hội về việc điều hành chính sách tiền tệ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyên Văn Bình cho biết, 10 tháng tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đạt 6,8%. Nếu tính cả phần dư nợ tín dụng đã được xử lý thông qua trích lập dự phòng rủi ro và thông qua mua bán nợ của Công ty Mua bán nợ quốc gia (VAMC) thì thực tế tăng trưởng tín dụng trong 10 tháng đã ở mức 7,89%. Hàng tuần, NHNN giao ban với các ngân hàng thương mại cũng như giám đốc NHNN ở các tỉnh để nắm bắt kế hoạch tăng trưởng của từng tổ chức tín dụng. "Trên cơ sở những kết quả đạt được những năm qua, đặc biệt là 2012, cũng như kế hoạch tăng trưởng của các tổ chức tín dụng trong 2 tháng còn lại, chúng tôi có cơ sở tin tưởng rằng sẽ đạt được mức tăng trưởng 12%"- ông Bình cho hay.
Mới đây, NHNN có chủ trương cho doanh nghiệp có nợ xấu có phương án sản xuất - kinh doanh mới khả thi, hiệu quả sẽ được ngân hàng xem xét cơ cấu lại nợ. Quyết định này nhằm tháo gỡ khó khăn về vốn cho các doanh nghiệp, nhất là trong mùa kinh doanh cuối năm, đồng thời kích tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng.
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, việc đạt con số tăng trưởng tín dụng 12% là không khó. Vấn đề là làm thế nào để vừa đảm bảo chỉ tiêu "cứng" 12%, vừa đảm bảo an toàn cho khoản vay. Tuy nhiên thực tế hiện nay, dù mặt bằng lãi suất cho vay giảm mạnh, ngân hàng chạy đua cho vay nhưng tín dụng vẫn tăng ì ạch.
"Để cân bằng giữa tăng trưởng tín dụng và đảm bảo an toàn món vay phụ thuộc nhiều vào chỉ đạo của NHNN, việc lựa chọn khách hàng của ngân hàng thương mại cũng như diễn biến bối cảnh kinh tế nói chung". - TS Nguyễn Minh Phong |