Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lợi nhuận ngân hàng khởi sắc

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2017 của nhiều ngân hàng (NH) cho thấy, lợi nhuận của NH ở mức khá cao.

Điểm chung của các báo cáo này là lợi nhuận từ hoạt động tín dụng tăng khá mạnh so với cùng kỳ năm trước.

Đua báo lãi lớn

6 tháng đầu năm nay, lợi nhuân trước thuế của BIDV đạt 4.200 tỷ đồng, tăng 26,23% so với cùng kỳ, hoàn thành 54,5% kế hoạch cả năm. Tiếp theo là VietinBank hoàn thành 54% kế hoạch cả năm, ước tính đạt 4.700 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ. Vietcombank đạt 53,2% kế hoạch năm, với lợi nhuận trước thuế đạt 5.054 tỷ đồng, tăng 20,5% so cùng kỳ năm 2016.

Hoạt động nghiệp vụ tại chi nhánh VPBank Hà Nội. Ảnh: Thanh Hải

Ở các NH nhỏ hơn, SHB công bố lãi 800 tỷ đồng. NH đang ngổn ngang tái cơ cấu là Sacombank cũng công bố số lãi tăng 70% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 428 tỷ đồng, hoàn thành 73% kế hoạch cả năm. Eximbank đạt 67% kế hoạch năm, lợi nhuận trước thuế đạt được khoảng 400 tỷ đồng thay đổi rất lớn khi cùng kỳ năm ngoái chỉ được 79 tỷ đồng. TPBank đã hoàn thành 64% kế hoạch lợi nhuận năm. ACB cũng được đánh giá là NH có mức tăng trưởng nhanh về lợi nhuận, tăng 52% so với cùng kỳ. Đặc biệt, NH Phương Đông (OCB) công bố khoản lợi nhuận trước thuế tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước, đạt 494 tỷ đồng. Nhiều NH lớn khác chưa công bố mức lợi nhuận, nhưng trong quý trước đã báo lãi lớn, như Techcombank, HD Bank hay VPBank.

Cũng trong 6 tháng, phần lớn các NH đã trích lập được tương đối nhiều cho nợ xấu. BIDV chi phí dự phòng là 6.300 tỷ đồng (tăng 40,21% so với cùng kỳ). MB tích cực trích lập dự phòng với chi phí dự phòng là 1.700 tỷ đồng (tăng 192%)… Bên cạnh đó, thị trường mua bán nợ thứ cấp sẽ sớm được thiết lập, dẫn đến khả năng mang lại một số khoản lợi nhuận bất thường từ bán nợ xấu kể từ năm sau.

Đẩy mạnh phát triển dịch vụ

Tín dụng tăng, kinh doanh tốt cũng như thanh khoản được cải thiện khiến các NH tại Việt Nam khá lạc quan về mức lợi nhuận đạt được trong năm 2017. Bên cạnh đẩy mạnh tín dụng, hàng loạt NH tiếp tục đẩy mạnh mảng bán lẻ, bao gồm cả những NH có thế mạnh và truyền thống về bán buôn như VCB, MB và SHB...

Trong báo cáo tài chính, kết quả kinh doanh của MB tăng mạnh nhờ tỷ lệ lãi cận biên (NIM) được cải thiện và lãi thuần hoạt động dịch vụ tăng trưởng mạnh. Tại VCB, tín dụng khối DN nhỏ và vừa, tín dụng thể nhân tăng rất mạnh (tương ứng tăng 39% và 38,8%). Sự dịch chuyển này, đặc biệt ở khối khách hàng thể nhân, mang lại tỷ lệ lãi biên cao hơn, cũng như kích thích thêm phát triển dịch vụ. Với định hướng một NH số, trong nửa đầu năm TPBank đã đưa ra thị trường nhiều sản phẩm, dịch vụ đột phá. Nhờ vậy kết quả lợi nhuận 6 tháng đầu năm của TPBank đạt 482 tỷ đồng, chiếm 61,92% kế hoạch lợi nhuận cả năm đã đề ra là 780 tỷ đồng.

Theo nhận định của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), chênh lệch giữa lãi suất cho vay và lãi suất huy động tại các NH đã giảm rất mạnh trong khoảng 3 năm trở lại đây và thấp hơn khá nhiều so với các nước trong khu vực. Chênh lệch lãi suất huy động – cho vay càng nhỏ, các NH càng có biên lợi nhuận mỏng. Chính vì thế, theo hướng đi mới và bền vững cho các NH hiện nay là phải nâng cao doanh thu từ hoạt động phi tín dụng.

Đại diện Vietcombank cho biết năm 2017 mảng bán lẻ và khách hàng cá nhân vẫn sẽ là trọng tâm phát triển của ngân hàng, vì vậy sẽ có những chính sách cụ thể để phát triển thị trường này. Trong định hướng hoạt động, VietinBank tiếp tục phát triển sản phẩm, dịch vụ hiện đại, đặc biệt là dịch vụ ngân hàng thanh toán, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu thu nhập, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường. VPBank tập trung nghiên cứu, xây dựng và giới thiệu đến khách hàng những sản phẩm, dịch vụ tài chính phù hợp, khác biệt, đáp ứng tối đa yêu cầu của khách hàng, từ dịch vụ thẻ, tiền gửi tiết kiệm, vay vốn đến các dịch vụ cá nhân khác như chuyển tiền trong nước, quốc tế, đổi tiền…

Trong kế hoạch tái cơ cấu các TCTD giai đoạn 2016 - 2020, NHNN yêu cầu các NH tăng nguồn thu dịch vụ lên trên 30%, thời gian thực hiện chậm nhất cuối năm 2020. Đó là hướng đi đúng phù hợp với xu hướng trên thế giới, còn nếu lợi nhuận chỉ trông chờ vào tín dụng sẽ gây ra nhiều khó khăn cho NH, vì tín dụng tại Việt Nam phụ thuộc nhiều vào thị trường bất động sản và sức khỏe của các DN.

Lợi nhuận của nhiều NH tăng mạnh là nhờ hoạt động cho vay tăng trưởng mạnh. Nửa đầu năm nay, nhiều NHTM đã tăng rất mạnh tín dụng, với mức tăng trưởng nhiều thành viên đạt từ 13 - 15%, trong khi cùng kỳ những năm trước phổ biến chỉ tăng trưởng ở mức một con số. Tín dụng 6 tháng đầu năm toàn hệ thống đã tăng tới 8%, mức tăng trưởng kỷ lục 8 năm trở lại đây.