Việc này chắc chắn góp phần giảm tải tình trạng ùn tăc giao thông cũng như đưa hình ảnh Hà Nội xanh - sạch - đẹp đến gần gũi hơn với du khách. Vừa tiết kiệm, vừa thêm sức khỏe Với xu thế ngày càng có nhiều người lựa chọn xe đạp là phương tiện đi lại, chị Nguyễn Lan Anh, kế toán một công ty trên đường Hoàng Quốc Việt (quận Cầu Giấy) đã lập hẳn Hội những người thích đi làm bằng xe đạp trên facebook. Chị còn liệt kê một loạt lợi ích khi đi làm bằng xe đạp như: Không cần xăng, rèn luyện sức khỏe, có thời gian ngắm cảnh, không thải khí gây ô nhiễm môi trường, xe dễ sửa hơn, chở người yêu lãng mạn giống phim Hàn Quốc… "Giá mà các tuyến đường bây giờ đều có làn đường dành riêng cho xe đạp thì thích biết mấy vì sẽ an toàn hơn" - chị Lan Anh chia sẻ. Bây giờ hội của Lan Anh đã có hàng chục người, hầu như cuối tuần nào cũng tụ hội đi vòng quanh Hồ Tây hoặc xung quanh khu phố cổ.
Đi xe đạp góp phần cải thiện môi trường xanh, sạch, đẹp. Ảnh: Tú Chi |
Tại Hà Nội, hiện có hơn chục CLB xe đạp lớn nhỏ, như: CLB xe đạp thể thao Thăng Long, CLB Cựu chiến binh Hà Nội, CLB xe đạp Hà Nội xưa và nay, Tour de Five, N.H.O.E (Đội xe đạp địa hình chuyên nghiệp), Hội xe đạp Mountain Bike Hà Nội… Ngoài ra, còn có các diễn đàn dành riêng cho những người yêu thích xe đạp: Hội những người thích đạp xe lượn phố, Hội những người thích đi chơi bằng xe đạp, Hội Ilove Bike… Thực tế cho thấy, nhiều TP phát triển trên thế giới rất giàu có nhưng lại có tỷ lệ người tham gia giao thông bằng xe đạp rất nhiều. Chính quyền các TP này vẫn luôn tìm cách giảm bớt lưu lượng ô tô, xe máy tham gia giao thông đô thị nhằm giảm ùn tắc. Xe đạp chiếm trên 13% lưu lượng giao thông ở Đức. Riêng ở TP Berlin có khoảng 500.000 người hàng ngày sử dụng loại xe thô sơ và thân thiện với môi trường để đi làm. Còn tại Mỹ, trên Đại lộ Pennsylvania Avenue nối giữa Nhà Trắng và tòa nhà Quốc hội Mỹ, một con đường nhỏ đã được mở riêng cho người đi xe đạp. Tại Úc có ba loại đường dành cho người đi xe đạp: Đường dành riêng cho người đi xe đạp và đi bộ, đường xe đạp chung với xe hơi và đường xe đạp không chính thức. Còn tại TP Yên Đài, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc thực hiện "Chương trình chia sẻ xe đạp giúp nhân viên văn phòng tới cơ quan đúng giờ" từ 10/8/2010. Người dân ở đây có thể sử dụng một loại thẻ được đăng ký với mã số từ Chứng minh nhân dân để mở khóa một chiếc xe từ bãi đỗ và dùng miễn phí trong một giờ. Nếu ai có nhu cầu dùng xe đạp nhiều hơn một giờ, trước tiên, họ phải trả xe về bất cứ bãi đỗ nào trong TP và lặp lại các thao tác trên. Khách du lịch thậm chí cũng được sử dụng dịch vụ này nhưng phải để một khoản tiền đặt cọc ở văn phòng bãi đỗ. Cần cơ chế khuyến khích Được biết, Sở Công Thương đang lấy ý kiến của các sở, ngành về Đề án "Sản xuất và tiêu dùng xe đạp nhằm giảm ùn tắc giao thông đô thị, tiết kiệm nhiên liệu, giảm ô nhiễm môi trường". Đề án này nhằm đưa ra các giải pháp, khuyến khích người dân Hà Nội sử dụng xe đạp, giảm lưu lượng ô tô xe máy tham gia giao thông. Theo Sở Công Thương, tại Hà Nội hiện nay, sự phát triển quá nhanh các phương tiện giao thông như ô tô, xe máy là một trong những nguyên nhân gây ùn tắc, môi trường đô thị ngày càng ô nhiễm. Mặt khác, nhiên liệu xăng dầu - nguồn năng lượng ngày càng trở nên khan hiếm. Vì vậy, phát triển xe đạp trong giao thông, đô thị sẽ là giải pháp giảm ùn tắc hiệu quả; cần thiết trong bối cảnh nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn và quy hoạch giao thông chưa hoàn chỉnh. Khi nhìn thấy được các tiện ích từ xe đạp, chắc chắn sẽ có nhiều người hưởng ứng thực hiện hơn. Tuy nhiên, để việc này đạt hiệu quả cao, đề nghị các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác tuyên truyền, nhất là tại các trường THPT, cao đẳng, đại học, các văn phòng và từ chính các cơ quan Nhà nước. TP có thể có hình thức khuyến khích trước mắt như miễn phí gửi xe đạp tại các điểm trông giữ công cộng, bố trí làn đường dành riêng cho xe đạp tại một số tuyến phố… Như vậy, người dân sẽ tham gia nhiệt tình hơn, góp phần để Thủ đô ngày càng xanh - sạch - đẹp và an toàn hơn.