"Khi đâm em, và ngay cả bây giờ anh vẫn yêu em. Bây giờ anh mới biết tình yêu không thể cầu xin, không thể chịu nhục mà có, cũng không thể dùng đến dao…”, tử tù 28 tuổi Nguyễn Khắc Long viết trong buồng biệt giam.
Sinh ra ở vùng quê nghèo của huyện miền núi Anh Sơn (Nghệ An), Nguyễn Khắc Long sớm kết duyên cùng chị Lê Thị Ngân, người con gái đẹp người đẹp nết ở cùng quê.
Cuộc sống hai vợ chồng những năm tháng đầu diễn ra tốt đẹp. Khi có con, cuộc sống bắt đầu khó khăn thì Long lại lao vào rượu chè. Mâu thuẫn gia đình xảy ra, anh ta thường xuyên thượng cẳng chân, hạ cẳng tay với vợ.
Nguyễn Khắc Long ngày nhận án tử hình. Ảnh: Nguyên Khoa |
Sau một thời gian chịu đựng không nổi, chị Ngân bỏ vào Tây Nguyên. Long đưa con đi tìm vợ nhưng không thấy. Rồi người phụ nữ quay về nhà song không phải để hàn gắn quan hệ vợ chồng đã nguội lạnh mà nằng nặc đòi ly dị. Long không đồng ý, quỳ xuống xin chị Ngân tha thứ, hứa sẽ tu tâm sửa tính. Chị Ngân không còn lòng tin với chồng, dẫn theo con rời nhà.
Ngày vợ đi, Long lấy con dao mổ lợn, khắc vào cán hai chữ “Hận tình”, rồi lại vào Tây Nguyên tìm kiếm. Lúc này, Long chết điếng khi biết chị Ngân đang sống cùng người đàn ông khác. Long trở về nhà, cũng quyết tâm trả thù bằng cách cặp bồ với một cô gái ở trong huyện và tự hứa sẽ quên hết sự đời, tu chí làm ăn.
Con dao khắc hai chữ "hận tình" mà Long dùng để giết vợ. Ảnh: Nguyên khoa |
Giữa năm 2010, vợ Long trở về, gửi đơn ly hôn ra tòa án. Ngày 5/8/2010, nhận giấy triệu tập của tòa đến giải quyết việc ly hôn, Long vạch kế hoạch hãm hại người bạn đời. Anh ta không đến tòa mà rình vợ trên đường.
Đúng như tính toán của Long, gần trưa, chị Ngân cùng anh trai Lê Văn Mạnh sau khi đến tòa đã quay về một bến đò qua sông Lam. Thấy vợ, Long xông tới đâm liên tiếp khiến cô chết tại chỗ. Long còn truy sát, đoạt mạng của anh Mạnh. Do giết chết 2 người, Long bị tuyên án tử hình. Đơn xin ân xá của hắn không được chấp nhận.
Trong lúc chờ đợi ngày "đền tội", hình ảnh con gái, vợ cứ ảm ảnh Long cả trong những giấc mơ. Ngày lễ tình yêu Valentine 2012, chứng kiến các phạm nhân được người nhà đến thăm, Long chạnh lòng, viết ra giấy"...Ngay cả khi đâm chết em, và ngay cả bây giờ anh vẫn yêu em. Bây giờ anh mới biết tình yêu không thể cầu xin mà có, không thể chịu nhục mà có, cũng không thể dùng đến dao…”.
Mong ước lớn nhất của người tử tù này là con gái lớn khôn, trưởng thành và tha thứ cho hành động tội lỗi của cha. Trải lòng qua trang giấy, Long viết: "Dù biết sẽ chết nhưng trong trại giam, tôi luôn cố gắng phấn đấu từng ngày, mong sao có một phép màu để ngày nào đó được ôm con vào lòng".
Những dòng thư chan chứa tình cảm của tử tù dành cho con gái. Ảnh: Thành Thảo |
Từ ngày Long bị cảnh sát bắt, con gái không có chỗ nương thân, được chính quyền địa phương giới thiệu xuống Làng trẻ SOS Vinh. Thỉnh thoảng nhớ bố, cô bé 10 tuổi lại viết thư gửi vào trại giam. Hai bố con cứ thư đi thư lại. Nhiều hôm, cô bé đọc thư xong thì những dòng chữ đã bị ướt nhòe vì nước mắt.
"Bố bảo rằng luôn ở bên cháu, luôn mong cháu khôn lớn nên người. Trong tất cả các bức thư, bố đều dặn cháu phải học thật giỏi, nghe lời thầy cô để trở thành người tốt", cô bé có đôi mắt buồn tâm sự với các "mẹ" ở làng trẻ.
Bé bảo hiểu được rằng, những giây phút ngồi đếm ngược thời gian trong buồng biệt giam, sự ân hận, dằn vặt của bố. "Cháu nhớ cả bố và mẹ, trong mơ, cháu luôn thấy cả nhà được đoàn tụ. Ước gì có một phép màu để bố cháu được tha chết, mẹ cháu sống lại...", cô bé nói, hai mắt đỏ hoe.