Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lối sống mới ở các chung cư mới

KTS Phạm Thanh Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bây giờ với mọi người, hình ảnh về khu đô thị mới (KĐTM) đã trở nên rất quen thuộc. Dẫu còn nhiều bất cập trong xây dựng nhưng KĐTM vẫn là nơi đáng sống, hiện đại và văn minh.

Cư dân tại chung cư Times City
Nhưng có một vấn đề rất quan trọng mà nhiều khi chúng ta ít quan tâm, đó là sự xuất hiện các KĐTM sẽ góp phần hình thành một lối sống mới, nếp sống mới văn minh, hiện đại cho cư dân đô thị. Thế nhưng, nếu bắt đầu từ các KĐTM đầu tiên như Linh Đàm ở Hà Nội hay Phú Mỹ Hưng ở TP Hồ Chí Minh vào những năm 90 của thế kỷ trước, đến nay cũng đã gần 30 năm thì vẫn chưa có một tổng kết nào của ngành văn hóa ở tầm quốc gia để đánh giá việc hình thành lối sống, nếp sống và văn hóa mới ở chung cư mới, KĐTM để từ đó các nhà quản lý đô thị có những giải pháp, chính sách cụ thể và hữu hiệu. 
Tư duy chiều ngang đối chọi lối sống theo chiều thẳng đứng

Trong lịch sử phát triển nhà ở của Việt Nam, nhà ở cao tầng (từ 9 tầng trở lên) chỉ xuất hiện ở miền Bắc vào thời kỳ đổi mới, tức là vào đầu những năm 90 của thế kỷ trước. Lúc này, một bộ phận cư dân được sống trong các căn hộ rộng rãi khép kín, đầy đủ tiện nghi, đi lại theo chiều thẳng đứng với cái thang máy. Sự xuất hiện KĐTM mở đầu cho một cuộc cách mạng về lối sống đô thị. Từ ngàn năm nay, người Việt vốn là cư dân nông nghiệp, sống ở làng xóm, không có thói quen ở nhà cao tầng, mà chỉ ở nhà thấp tầng, không quen sống theo chiều thẳng đứng mà chỉ quen sống theo chiều ngang.
Lối sống nông thôn với thói quen, cách ứng xử phù hợp với hương ước của làng, quy định của cộng đồng làng xã, dòng tộc theo kiểu “phép vua thua lệ làng”, “trọng tình hơn lý”, “tắt lửa tối đèn có nhau”… đầy tính nhân bản, ăm ắp tình người tạo nên văn hóa làng truyền thống. Khi chuyển sang sống trong đô thị, đặc biệt là trong các KĐTM thì cái văn hóa làng ấy đã không còn phù hợp và bắt đầu bị tác động bởi văn minh đô thị cũng như môi trường sống của KĐTM. Đấy là một thách thức cho các nhà quản trị đô thị và mỗi cư dân.

Nhà ở trong KĐTM thực chất là các “cỗ máy để ở” với rất nhiều trang thiết bị hiện đại, quy định sử dụng chặt chẽ nhằm đảm bảo an toàn cho người ở, cộng đồng chung cư và sự bền vững của tòa nhà. Sống trong các chung cư cao tầng với hành lang chung, giao thông trong tòa nhà cao vài chục tầng hoàn toàn bằng thang máy (cho dù bên cạnh có ít nhất hai cầu thang bộ).
Người ở trong chung cư là người đến từ tứ xứ, nhiều vùng miền khác nhau, với nhiều thành phần, lứa tuổi… tạo nên một cộng đồng cư dân đa dạng về khẩu ngữ, thói quen, lối sống. Sống trong chung cư thì sự riêng - chung được phân định rất rạch ròi, thậm chí đến nghiệt ngã. Không thể tùy tiện coi cái thang máy là của riêng mình để chở đồ đạc, hay chạy lên chạy xuống một cách tùy tiện bất chấp người khác trong tòa nhà cần di chuyển. Không thể coi hành lang chung là cái sân riêng của nhà mình để đốt vàng mã ngày rằm, mồng một hay chiếm dụng một góc nào đó, kể cả đó là nơi cửa thoát hiểm phòng khi cháy nổ để chứa đồ.
Không thể tùy tiện đập phá, cơi nới, thay đổi công năng căn hộ. Không thể khạc nhổ, vứt rác nơi hành lang, trong buồng thang máy. Người ở tầng trên đi lại phải nhẹ nhàng, không được chạy nhảy làm ảnh hưởng đến người ở tầng dưới. Không được mở nhạc quá to hay làm ồn ảnh hưởng đến gia đình bên cạnh. Sống ở chung cư, nhà nào biết nhà nấy. Có việc ra ngoài mới mở cửa, nhà này biết chuyện nhà kia toàn qua “kênh” ô sin.

Xây dựng văn hóa ứng xử mới từ khâu quy hoạch đô thị

Văn hóa ứng xử, hay lối sống trong các KĐTM không phải tự nhiên mà có. Phải chăng, nó phải được bắt đầu từ chính các đồ án quy hoạch, rồi đến nhà quản lý, chủ đầu tư kinh doanh bất động sản, ban quản lý nhà chung cư cho đến từng hộ dân, từng cư dân. Bởi lâu nay, mỗi khi nói đến văn hóa thì dường như người ta nghĩ ngay đến trách nhiệm của ngành văn hóa, của tổ dân phố và các hộ gia đình. Thế nên mới có biển hiệu “Gia đình văn hóa” gắn trước cửa nhà của hộ được vinh danh?!

Khi thiết kế quy hoạch một dự án KĐTM, các kiến trúc sư phải tuân thủ quy định, quy chuẩn của Nhà nước. Và dù hiện đại, kiểu cách đến đâu, nhưng kiến trúc cũng phải phù hợp với khí hậu, văn hóa và con người Việt Nam, để người đến ở thấy an toàn, thoải mái và thuận tiện. Một đồ án quy hoạch kiến trúc tốt sẽ tạo ra một không gian sống tốt, một môi trường sống xanh, thân thiện với con người, với thiên nhiên, tạo cho cư dân sự hứng khởi, niềm tin bền vững vào cuộc sống nơi họ sẽ đến ở.

Người sống trong chung cư, KĐTM phải tuân thủ các quy định của Ban Quản lý KĐT, Ban Quản lý tòa nhà và các cam kết trong Hợp đồng mua - bán nhà với chủ đầu tư. Phải có thái độ bảo vệ tài sản chung, không tự tiện thay đổi kiến trúc, kết cấu căn hộ nếu không được phép của cơ quan quản lý có thẩm quyền. Phải tôn trọng, không làm phiền đến sinh hoạt của các hộ dân trong tòa nhà và trong KĐTM. Tham gia tích cực vào bảo vệ, giữ gìn cảnh quan, môi trường xung quanh luôn sạch đẹp.

Nhiều năm nay, việc quản lý các KĐTM còn nhiều bất cập. KĐTM thuộc địa giới hành chính ở phường nào thì do UBND phường đó quản lý. Tuy nhiên, có KĐTM dân số tương đương một phường thì quản lý hành chính sẽ ra sao? Hoạt động của Ban quản lý nhà chung cư khác với tổ trưởng dân phố. Vì thế, quản lý hành chính các KĐTM rất cần được chính quyền địa phương quan tâm, giải quyết những bức xúc, tồn tại nảy sinh trong quá trình hoạt động của KĐTM giữa cư dân và chủ đầu tư để đảm bảo trật tự, an toàn xã hội. Đồng thời tạo điều kiện tổ chức, động viên các sinh hoạt cộng đồng trong tòa nhà, trong KĐTM để xây dựng môi trường sống thân thiện, gắn kết lẫn nhau, chia sẻ, cảm thông… từ đó tạo thành cộng đồng dân cư kiểu mẫu có văn hóa, nếp sống mới, lối sống mới phù hợp với sự phát triển của một xã hội văn hóa, văn minh và giàu bản sắc văn hóa Việt Nam.

Xây dựng nếp sống thời 4.0

Chúng ta đang xây dựng thành phố thông minh, thành phố xanh và hướng đến thành phố 4.0 cũng chỉ với mục đích cao đẹp là đem đến cho đô thị một nơi chốn bền vững, tràn đầy hạnh phúc cho Nhân dân, cho dù đời sống của chúng ta còn chưa thật sự đủ đầy.

Đã có nhiều KĐTM hiện nay đang được coi là hình mẫu cho một không gian sống xanh an toàn, đầy thân thiện, là nơi đáng sống theo đúng nghĩa tốt đẹp của nó do các nhà đầu tư lớn có uy tín xây dựng tại Hà Nội. Ở đó mối quan hệ giữa nhà đầu tư với cư dân được xây dựng trên sự bình đẳng, tôn trọng và tin cậy. Ở đó, cư dân hầu hết là người có tri thức, biết ứng xử, tạo nên một cộng đồng cư dân có lối sống, nếp sống văn hóa và văn minh.

Người Việt Nam có câu ngạn ngữ rất hay: “Đói cho sạch, rách cho thơm”. Âu cũng là lời của tiền nhân nhắc nhở chúng ta về một lối sống, nếp sống, cách sống sao cho có văn hóa, từ đó hình thành những con người tử tế trong thời kỳ phát triển mới của đất nước.