Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lỗi tại bao bì

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Tại một chuỗi cửa hàng tiện ích của ông chủ người Việt ở Pháp, cà phê Trung Nguyên G7 được bày bán song song với sản phẩm Nescafe của Nestlé (Thụy Sĩ).

Cà phê G7 được ông chủ cửa hàng đánh giá là chất lượng tốt, giá rẻ nhưng bán được rất ít trong khi Nescafe bán chạy hơn, số lượng tiêu thụ cao gấp nhiều lần G7. Nguyên nhân theo ông chủ cửa hàng là do cà phê Trung Nguyên dùng kí hiệu G7 ở ngoài bao bì. Chữ và con số này dễ bị người châu Âu liên tưởng đến… sắt thép, hóa chất, chất tẩy chứ không phải là đồ ăn thức uống. Với sản phẩm mì ăn liền VIFON cũng vậy. Nếu xét về giá cả, VIFON hoàn toàn có thể cạnh tranh với các mặt hàng cùng loại ở thị trường châu Âu, thậm chí nếu tăng giá vài chục phần trăm chi phí marketing thì giá bán ra vẫn rất phải chăng. Nhưng trên thực tế, mì VIFON vẫn không có được sức hút đối với khách hàng ở đây vì đã gần 10 năm qua cũng chỉ có mấy loại mì bò, gà, lợn. Bao bì sản phẩm lại quá đơn điệu.

Những ví dụ trên đây một lần nữa cho thấy doanh nghiệp Việt chưa biết đầu tư cho khâu thiết kế, sáng tạo mẫu mã sản phẩm, đặc biệt là sản phẩm xuất khẩu. Ai cũng rõ xuất khẩu hàng tới vùng miền nào, phải nghiên cứu thị hiếu và nhu cầu văn hóa xã hội của vùng miền đó để làm tốt công tác tiếp thị. Nhưng chẳng phải doanh nghiệp nào cũng thực hành tốt "bài học vỡ lòng" này, ngay cả những doanh nghiệp lớn cũng vậy. Tại sao lon Coca - Cola tại châu Á lại in hình rồng bay phượng múa, còn ở châu Âu lại in hình đôi trai gái ôm nhau nhảy múa? Người châu Âu gần đây rất thích cây tre, vậy nên có nhiều hãng lớn đã dùng cây tre làm biểu tượng sản phẩm như: Loreal Paris (Pháp), Schwarzkopt (Đức)… Việt Nam là quê hương của cây tre, vậy sao chưa có doanh nhân nào nghĩ tới việc phát triển một thương hiệu sản phẩm tương tự? Ngay lúc này mà VIFON làm ra mì măng, mì tre hay bao bì in ấn những thông điệp về các chủ đề người dân châu Âu quan tâm, chắc sẽ dễ bán được hàng hơn.

Càng đi sâu phân tích càng thấy việc đầu tư nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm của doanh nghiệp Việt quá yếu. Làm thương hiệu thì phải xông pha thực tế, tìm hiểu thị trường mới nắm bắt được thị hiếu, tường tận văn hóa tiêu dùng của từng khu vực, từng quốc gia. Muốn hàng Việt tìm được vị trí và đứng vững trên thị trường quốc tế, các doanh nghiệp cần thường xuyên xem lại nguyên tắc cơ bản này.