Với dự báo kênh bán lẻ hiện đại của Việt Nam sẽ tăng lên 45% trong 3 năm tới, nhiều nhà bán lẻ nước ngoài, đặc biệt là các nhà bán lẻ "chuyên trị" cửa hàng tiện lợi cũng đang tìm cách thâm nhập sâu hơn vào thị trường Việt Nam, khiến cuộc chiến giành thị phần càng quyết liệt.Mới đây nhất là sự xuất hiện của chuỗi cửa hàng tiện lợi nổi tiếng thế giới 7-Eleven khi DN này chính thức tuyên bố về tham vọng "bành trướng" thị trường bán lẻ Việt Nam. 7-Eleven là một trong những chuỗi cửa hàng tiện lợi chuyên bán hàng tạp hóa lớn nhất thế giới hiện đã có mặt ở 16 quốc gia. Năm 2015, 7-Eleven công bố đã ký hợp đồng nhượng quyền độc quyền tại Việt Nam, hợp tác giữa công ty con của 7-Eleven Nhật Bản có văn phòng tại Mỹ và liên doanh là Công ty CP Seven System Việt Nam. Nhà đầu tư này tuyên bố sẽ mở 1.000 cửa hàng tiện lợi tại thị trường Việt Nam. Trước đó, nhà kinh doanh chuỗi cửa hàng tiện lợi lớn thứ hai thế giới (cũng đến từ Nhật Bản) với 24.000 cửa hàng trải khắp nhiều quốc gia là FamilyMart cũng đã có mặt tại Việt Nam. Mục tiêu của nhà đầu tư này là đạt từ 800 - 1.000 cửa hàng vào năm 2020. Trong khi đó Ministop (thuộc Tập đoàn AEON cũng của Nhật Bản) đặt mục tiêu đạt 800 cửa hàng tại Việt Nam và hiện đã có 67 cửa hàng.Nếu như thị trường bán lẻ Việt Nam thời gian qua đã chứng kiến sự bành trướng của những thương hiệu ngoại, thì việc phát triển những cửa hàng, siêu thị mini bám vào các khu dân được coi là lợi thế của DN trong nước. Thời gian qua, ở phân khúc này cũng ghi nhận sự phát triển của những chuỗi cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini của DN nội như VinMart+, Circle K, B's mart. Giờ có thêm những tên tuổi lớn là tín hiệu đáng mừng đối với thị trường bán lẻ Việt Nam. Những thương hiệu này sẽ giúp kênh thương mại hiện đại phát triển hơn nữa, làm tăng động lực cạnh tranh lành mạnh đối với các nhà bán lẻ trong nước cũng như mang lại các trải nghiệm mua sắm mới cho người tiêu dùng Việt Nam. Tuy nhiên, với sự xuất hiện của những tên tuổi ngoại, xu thế của thị trường bán lẻ hiện đại ở Việt Nam thời gian tới được nhận định sẽ lại có những thay đổi khi xuất hiện những đối thủ cạnh tranh đáng gờm của các nhà bán lẻ trong nước. Những tên tuổi này bên cạnh kinh nghiệm, họ đã chuẩn bị rất kỹ về kế hoạch, chiến lược và đi cùng luôn là các nhà sản xuất cũng muốn đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa tại Việt Nam, thị trường bán lẻ đầy tiềm năng. Điều này đòi hỏi DN trong nước một lần nữa phải có những chiến lược bài bản, chuyên nghiệp hơn, xây dựng chuỗi liên kết chặt chẽ hơn nếu không muốn bị thôn tính hoặc phá sản.