Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lối thoát cho xuất khẩu

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Trong điều kiện kinh tế bất ổn, tỷ lệ thành công của các doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa có hoạt động thương mại điện tử cao gấp 5 lần so với các DN không thực hiện mô hình này.

Thông tin này giúp các DN xuất khẩu của TP củng cố thêm niềm tin khi triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động xúc tiến thương mại của mình.

"Năng nhặt chặt bị"

Thương mại điện tử đang trở thành xu hướng chính trong kinh doanh vài năm trở lại đây, tuy nhiên, số liệu tại hội thảo "Ứng dụng CNTT trong DN xuất khẩu TP Hà Nội" do Sở TT&TT tổ chức sáng 2/11 cho thấy, vẫn không ít DN Việt Nam ngần ngại, thậm chí từ chối giao dịch trực tuyến vì cho rằng hình thức kinh doanh này nhiều rủi ro và ít đơn hàng lớn.

Lối thoát cho xuất khẩu - Ảnh 1

Nhiều doanh nghiệp trong nước thông qua thương mại điện tử đã ký được nhiều hợp đồng có giá trị kinh tế cao. Ảnh: Hà Thái

Theo ông Trần Đình Toản, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP OSB, đánh giá trên là hết sức chủ quan vì trong thời buổi kinh tế khó khăn, các nhà nhập khẩu nước ngoài có xu hướng chia nhỏ các đơn hàng để giảm bớt rủi ro, như vậy không chỉ những đơn hàng mua qua sàn thương mại điện tử có giá trị nhỏ mà các đơn hàng đặt theo hình thức giao thương thông thường cũng sẽ giảm. Mặt khác, "năng nhặt thì chặt bị" DN cần phải đa đạng hóa phương thức tìm kiếm đối tác để có được nguồn cung và thị trường mới.

Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, ông Đào Ngọc Phong, Trưởng phòng Công nghiệp CNTT (Sở TT & TT) cho biết, hiện nay không chỉ các DN nhỏ và vừa mà rất nhiều DN lớn cũng đã chủ động phát triển thương mại điện tử để có thêm những hợp đồng mới. Công ty CP Bánh kẹo Hữu Nghị là một ví dụ điển hình trong xuất khẩu online thành công. DN này đã ký được nhiều hợp đồng với các nước Thái Lan, Nhật Bản thông qua các thông tin giới thiệu trên mạng. DN chủ động tìm kiếm nhà nhập khẩu và với "tiếng lành đồn xa", ngày càng nhiều DN nước ngoài tìm đến Công ty để đặt hàng. Ngoài ra, Tân Hiệp Phát, Nhựa Đông Á, Kềm Nghĩa, Viglacera, Habeco… cũng là những DN lớn tích cực tham gia trên sàn thương mại điện tử. Tuy nhiên, ông Phong cảnh báo, để tránh những rủi ro gặp phải khi giao dịch trên môi trường mạng, các DN vẫn phải tìm hiểu kỹ các quy định pháp lý có liên quan, nắm chắc quy định của từng sàn giao dịch và đặc biệt là tìm hiểu kỹ đối tác sẽ có giao dịch thương mại với mình. Cảnh báo này là rất đáng lưu ý vì vừa qua có không ít DN, tổ chức, cá nhân bị lừa đảo qua mạng.

Lựa chọn khôn ngoan

Một nghiên cứu của website thương mại điện tử quốc tế Alibaba.com cho thấy, 65% DN nhỏ và vừa hoạt động trực tuyến có đủ tự tin và khả năng vượt qua các bất ổn của nền kinh tế, trong khi chỉ số này đối với nhóm DN còn lại là 10%. Thực tế đã cho thấy, nếu các DN vẫn đi theo những hình thức giao thương truyền thống thì chi phí kinh doanh của DN có thể đội lên nhiều lần. Trái lại, tham gia mô hình kinh doanh trực tuyến sẽ giúp tiết kiệm chi phí văn phòng, kho bãi, lương nhân viên… Chưa kể, người tiêu dùng Việt Nam ngày càng có xu hướng lựa chọn kênh mua sắm online giúp giảm được chi phí, tiết kiệm thời gian, thuận tiện trong mua sắm, dễ dàng lựa chọn so sánh với những sản phẩm cùng loại…   

Từ góc độ nhà quản lý, ông Nguyễn Kỳ Minh, đại diện Cục Thương mại điện tử & CNTT, Bộ TT & TT cho rằng, trong bối cảnh khó khăn và cạnh tranh khốc liệt hiện nay, bán hàng online là lựa chọn khôn ngoan nhất của DN xuất khẩu khi biết dựa vào sự tăng trưởng chóng mặt của internet, điện thoại di động, mạng xã hội, dịch vụ 3G… DN có hai cách để bắt đầu với thương mại điện tử, một là tự xây dựng website để tự quảng cáo tiếp thị, hai là tham gia vào các chợ/sàn thương mại điện tử để tìm kiếm các cơ hội kinh doanh mới. Đây cũng là chiến lược được rất nhiều DN ở Mỹ, Nhật, Trung Quốc… đã áp dụng thành công.