Theo đánh giá ban đầu, với đà rớt giá kéo dài, chỉ trong vòng 6 tháng qua, chăn nuôi toàn TP ước tính thiệt hại khoảng 1.500 tỷ đồng.
Chăn nuôi Hà Nội thiệt hại khoảng 1.500 tỷ đồng
Theo tính toán của Trung tâm PTCN Hà Nội, đây là giai đoạn ghi nhận mức thua lỗ nặng nề của người chăn nuôi. Cụ thể, giá thành sản xuất lợn hơi hiện nay bình quân là 39.000 đồng/kg đối với các trang trại phải mua giống thương phẩm, còn đối với trang trại tự chủ được con giống ở mức 33.000 đồng/kg. Tuy nhiên, giá lợn hơi xuất chuồng hiện phổ biến chỉ từ 17.000 – 19.500 đồng/kg, thậm chí mức giá mới nhất được cập nhật đến ngày 27/4 ở một số vùng nuôi chỉ còn 10.000 – 12.000 đồng/kg.
Ông Tạ Văn Tường – Giám đốc Trung tâm PTCN Hà Nội cho biết, với giá lợn hơi trên thị trường trong vòng 6 tháng trở lại đây trung bình là 25.000 đồng/kg thì bình quân với mỗi con lợn, người nuôi bị thiệt hại từ 1 – 1,6 triệu đồng tùy hình thức chăn nuôi. Với số lượng 1,5 triệu con lợn thịt bán ra từ tháng 10/2016 đến nay, các hộ chăn nuôi trên địa bàn TP ước tính thiệt hại khoảng 1.500 tỷ đồng. “Thời gian rớt giá còn kéo dài, chưa có dấu hiệu phục hồi. Dự báo trong 3 – 4 tháng tới, giá lợn giống và lợn hơi không tăng nhiều so với thời điểm hiện nay” – ông Tường cho biết.
Có mặt tại hội nghị, nhiều hộ chăn nuôi, chủ trang trại không giấu nổi sự ngao ngán, chua chát trước tình hình hiện tại. Ông Nguyễn Hưng Thỉnh – HTX Sản xuất và kinh doanh sản phẩm nông nghiệp Phúc Thọ đã thốt lên: “Lợn đã ăn nát sổ đỏ, ủi cả két sắt rồi!”. Theo ông Thỉnh, nhiều hộ chăn nuôi đã phải cắm sổ đỏ, vét những đồng vốn cuối cùng để duy trì đàn lợn, nhưng nguy cơ trắng tay đang hiện hữu rất rõ. Nhiều chủ trang trại cũng lo lắng vì rơi vào tình trạng “chết dần, chết mòn” khi giá lợn hơi lao dốc không phanh, song đầu ra vẫn bị tắc. Tính toán của ông Nguyễn Trọng Long – Giám đốc HTX Chăn nuôi Hoàng Long (huyện Thanh Oai) cho thấy, số lãi trong 5 tháng ở thời điểm năm 2016 mới bù được khoản lỗ 1 tháng như hiện nay.
Quy hoạch lại sản xuất
Nhận định về nguyên nhân giá lợn xuống thấp, nhiều đại biểu cho rằng, do chăn nuôi hiện còn tự phát, không theo kế hoạch và quy hoạch. Mỗi khi thấy lãi là người nuôi đầu tư mở rộng quy mô mà chưa có đầu ra ổn định dẫn tới cung vượt quá cầu. Thống kê của ngành nông nghiệp Hà Nội cho thấy, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng tại thời điểm tháng 3/2017 của TP khoảng 1.100 tấn/ngày, trong khi nhu cầu tiêu thụ chỉ khoảng 900 tấn/ngày. Như vậy, nguồn cung đã dư thừa khoảng 200 – 250 tấn/ngày, chưa kể nguồn thịt lợn từ các tỉnh lân cận đưa về tiêu thụ tại TP. Bên cạnh đó, khâu chế biến còn rất yếu, chủ yếu bán thịt nóng trong khi chăn nuôi nhỏ lẻ của TP chiếm tới 70%.
Ông Nhữ Đình Tú – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Lebio nhận định, chăn nuôi tự phát chính là tự sát. Do đó, Nhà nước cần phải có quy hoạch lại chăn nuôi, đảm bảo cân đối cung - cầu, thậm chí có biện pháp mạnh bằng quy định pháp luật về điều kiện chăn nuôi. Theo ông Tú, người chăn nuôi cần phải thay đổi tư duy theo hướng áp dụng tiến bộ KHCN, giảm giá thành chi phí đầu vào và đảm bảo ATTP. Trước mắt, trong bối cảnh hiện nay, Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ vaccine phòng chống dịch bệnh cho người chăn nuôi, tránh tâm lý chủ quan bỏ bê đàn lợn khi rớt giá, rất dễ dẫn tới nguy cơ phát sinh và lây lan dịch bệnh.
Trước tình hình cấp bách hiện nay, Trung tâm PTCN Hà Nội cho rằng, trước mắt cần giảm nhanh đàn lợn nái, loại bỏ những con kém chất lượng, đồng thời đề nghị các DN thức ăn chăn nuôi giảm giá bán cho nông dân. Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Huy Đăng, cần đẩy mạnh chăn nuôi theo chuỗi liên kết để chia sẻ lợi ích, hạn chế rủi ro. Tới đây, Sở NN&PTNT sẽ đề xuất tăng cường cho vay vốn từ Quỹ Khuyến nông TP và đề nghị TP hỗ trợ từ Quỹ Bình ổn giá, Quỹ Đầu tư phát triển cho các hộ chăn nuôi duy trì, phục hồi sản xuất.
Ngày 27/4, UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức hội nghị tổng kết tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội và thu chi ngân sách tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2017. Tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong đề nghị Sở NN&PTNT sớm phối hợp với DN liên quan trên địa bàn để có giải pháp cụ thể, tháo gỡ khó khăn cho ngành chăn nuôi lợn. Hiện nay, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh không có nhiều DN có thể tổ chức chế biến sâu, đa phần tiêu thụ thịt lợn vẫn theo cách truyền thống, bán thịt tươi là chính. Trong khi đó, việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ còn nhiều yếu kém nên ngành chăn nuôi dễ bị khủng hoảng. (Sông Hương) |